Laudrup trên cương vị huấn luyện viên
Trong số những Judas 'thuần chủng' nhất thì cái tên Laudrup cùng với Schuster được coi là bớt gay gắt hơn cả so với Figo vì sự ra đi của họ dựa trên lý do không còn chỗ đứng tại Barça.
Nhưng Laudrup đã chọn cách chứng tỏ cho Cruyff thấy sai lầm của ông bằng việc chuyển sang đội bóng kình địch để sau đó gần như ngay lập tức giúp Real Madrid hạ sát Barça một 'bàn tay nhỏ'. Có thể coi Laudrup đã tỏa sáng ở cả hai màu áo khi anh đầu quân và khi ngoại trừ vấn đề kinh điển muôn thưở của mối ân oán Madrid - Barcelona thì chúng ta sẽ đều phải công nhận tài năng xuất chúng mà Laudrup đã thể hiện trên sân cỏ. Những kỹ năng Laudrup thể hiện được các huyền thoại sau này như Zidane, Redondo, Seedorf, Xavi...tái hiện ở vị trí người cầm trịch trận đấu. Rất ít khi các culé nhắc đến các Judas. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có những người mong muốn được sống lại những giây phút thăng hoa của cảm xúc khi xem Laudrup thi đấu và mong muốn tài năng trên sân cỏ có thể cứu rỗi hành động đầu quân cho Madrid. Nói một cách khác, trong lòng họ, từ Judas gán tặng cho Laudrup thật khiến họ đau lòng và bằng lý lẽ của chuyên môn sân cỏ, họ lên tiếng bảo vệ một tài năng xuất chúng. Duykhang là một culé như thế. FCBVN xin gửi tới bạn đọc bài viết về Laudrup của Duykhang nhằm mang đến một góc nhìn khác ít áp đặt nặng nề khái niệm Judas.
Laudrup - người nghệ sĩ thầm lặng
{xtypo_quote}“Không ai đem lại nhiều cảm hứng trong đội bóng như anh, tất cả chúng tôi đều chiêm ngưỡng anh chơi bóng như đặc ân từ một thiên tài” – Bakero
“Anh là một cầu thủ có kỹ năng xuất sắc và thanh lịch nhất mà tôi từng biết, rất ít cầu thủ có thể lừa bóng như anh. Anh có thể làm trận đấu an bài hoặc xoay chuyển tình thế bằng một khoảnh khắc thiên tài” – Koeman
“Một trong những cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu mà tôi từng biết, một người đàn ông lịch lãm, một số 10 cổ điển, rất ít cầu thủ làm được như vậy” – Stoichkov
“Anh là cầu thủ xuất sắc nhất tôi từng chơi cùng và là cầu thủ xuất sắc thứ 5 trong lịch sử bóng đá” – Romario
“Anh là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, không thể tin được khi anh không có danh hiệu cá nhân đó” - Guardiola
“Rất ít người có thể khiến tôi cuốn hút vào trận đấu như anh. Có thể anh không được giới truyền thông đánh giá đúng mức, nhưng anh thực sự là bộ óc siêu việt. Bậc thầy về những đường truyền không nhìn (blind pass) và những cú chọc khe không tưởng. Tôi chẳng bao giờ quên cú hất bóng cầu âu của anh trong trận với Osasuna loại bỏ toàn bộ hàng hậu vệ khiến công việc còn lại của Romario trở nên dễ dàng” – Ferrer
“Tại sao tôi ghi nhiều bàn như vậy ư? Do anh ta đấy” – Zamorano
“Anh là cầu thủ tuyệt vời nhất mà tôi từng chơi bóng cùng...” – Raul {/xtypo_quote}
Tất cả những danh thủ trên có thể ở những lứa tuổi khác nhau, đến từ những nền bóng đá khác nhau nhưng giữa họ đều có điểm chung là đã từng chơi bóng cùng anh, đã tận mắt chứng kiến những pha bóng để đời của một cầu thủ, một số 10 hoàn hảo theo phong cách cổ điển cuối cùng mà bóng đá đã sản sinh trong thập kỷ 90.
Định mệnh đã không cho anh có tên trong bất kỳ bảng vàng thành tích cá nhân nào, anh không ghi nhiều bàn thắng như Van Basten, Romario hay Stoichkov, anh không đem lại vinh quang cho đội tuyển như Baggio, Gullit hay Zidane. Những đội bóng anh thi đấu không làm mưa làm gió ở cúp C1 như Milan của thập niên 80 nhưng cả giới chuyên môn khi đó đã phải ngả mũ trước những đường kiến tạo kinh điển của anh, phải trầm trồ với óc tưởng tượng và tầm nhìn của anh. Chính anh chứ không phải ai khác, là hiện thân của Johan Cruyff thập kỷ 70, của Platini thập kỷ 80 là đại diện xuất sắc nhất cho Dream Team Barcelona thập kỷ 90. Anh chính là Michael Laudrup.
Những năm tháng ở Italia
Sinh ngày 15/6/1964 trong 1 gia đình có bố đã từng là tuyển thủ quốc gia, nhưng Đan Mạch - quê hương anh chưa bao giờ sản sinh những cầu thủ kỹ thuật đến vậy. Khi mới 19 tuổi, Laudrup đã được Juventus mua về (và cho Lazio mượn) như một phương án tấn công trong đội hình rất mạnh của họ. Năm 1985, Laudrup chính thức về thi đấu cho tân vô địch Châu Âu Juventus đúng lúc bộ đôi Platini - Boniek đang ở đỉnh cao phong độ trong khi quy định về số cầu thủ nước ngoài thi đấu không cho phép anh có mặt trên sân đủ nhiều để khẳng định giá trị. Hơn nữa, ở thời điểm đó, Platini – ông vua cả Châu Âu không có nhiều thiện cảm dành cho chàng cầu thủ trẻ 21 tuổi này, mặc dù vẫn luôn thừa nhận tài năng thiên bẩm của anh khi đã nhận xét "Anh ta là một tài năng lớn nhất mà tôi từng thấy. Một cầu thủ xuất sắc nhất ở sân tập nhưng chưa bao giờ thể hiện được như vậy trong suốt trận đấu".
Tuy nhiên, vượt qua tất cả những khó khăn này, Laudrup cũng để lại dấu ấn không nhỏ trong thời gian thi đấu tại Italy, để sau này, 1 đồng đội của anh tại Juve - Roberto Galia đã phải thốt lên : "Tôi đã từng đấu với Maradona, Platini và Baggio nhưng cầu thủ làm được nhiều điều không thể diễn tả được thì chỉ có Michael Laudrup".
Mexico 1986 và những World Cup không thể nào quên
Cũng vào quãng thời gian này, Giải Vô địch Thế giới tổ chức tại Mexico, cả thế giới đã được chứng kiến Đan Mạch (cùng Liên Xô) là 1 trong những hiện tượng của giải. Chiến thắng gây sốc 6-1 trước Uruguay và 2-0 trước người Đức có dấu ấn rõ nét của Laudrup cùng với các đàn anh trong đội tuyển như Elkjaer Larsen, Soren Lerby đưa Đan Mạch lọt vào vòng 2. Tại trận gặp Uruguay, gần như tất cả các bàn thắng của đội nhà đều xuất phát từ anh, nhưng tiêu biểu là 2 pha đi bóng xuyên thủng toàn bộ hàng hậu vệ bằng đôi chân ma thuật và nhãn quan tuyệt hảo đã giúp anh có bàn thắng đầu tiên tại World Cup và tạo cơ hội cho Elkjaer Larsen ghi bàn.
Mặc dù sự trớ trêu của số phận đã không cho Laudrup và Đan Mạch tiến xa ở các giải Thế giới nhưng tại Pháp năm 1998, pha lốp bóng của Laudrup (khi đó đã 34 tuổi, trong trận thắng Nigeria 4-1) cho Ebbe Sand ghi bàn vẫn được giới chuyên môn đánh giá là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất giải, một pha bóng hội tủ đủ các yếu tố lịch lãm (anh thực hiện đường chuyền mà gần như không nhìn Ebbe), bất ngờ, chính xác, một nhãn quan chiến thuật xuất sắc của cầu thủ mang áo số 10 này.
Sự nghiệp quốc tế của Laudrup cũng khép lại tại đây (kéo dài 16 năm), sau trận đấu với Brasil (thua 2-3) nhưng cũng ghi dấu ấn của anh trong bàn thắng đầu tiên của Đan Mạch.
Trở thành linh hồn tại Camp Nou
Năm 1989, như một hệ quả tất yếu, Laudrup rời Italia sang Barcelona theo tiếng gọi của Cruyff, người đang cố gắng xây dựng một lối đá tổng lực, đẹp mắt, phù hợp hơn với phong cách thi đấu của anh. Với con mắt tinh đời, Cruyff không chỉ nhìn thấy ở Laudrup một mẫu cầu thủ trẻ, tốc độ, kỹ thuật mà còn nhìn thấy nhãn quan chiến thuật hiếm có của cầu thủ Đan Mạch này. Và thế là một Dream Team đã được xây dựng với hạt nhân là Laudrup. Trong phần lớn thời gian thi đấu cho Barça, hầu như mọi pha dàn xếp tấn công, mọi đường bóng gây đột biến đều qua chân cầu thủ này. Thực sự, không phải Guardiola, Stoichkov, Romario hay Koeman là cầu thủ quan trọng nhất đội bóng mà chính Laudrup với nhãn quan chiến thuật bậc thầy, kỹ thuật xử lý bóng điêu luyện, hoa mỹ mới là hạt nhân trong đội bóng của Cruyff. Vào thời điểm đó, Hoàng đế Beckenbauer đã phải thốt lên: "Pele là cầu thủ xuất sắc nhất thập niên 60, Cruyff xuất sắc nhất thập kỷ 70, Maradona xuất sắc nhất những năm 80 thì Laudrup xuất sắc nhất thập kỷ 90”.
Chính bằng bộ óc của Laudrup và cái chân trái của Stoichkov, Barça đã vô địch Liga 4 năm liên tiếp và lọt vào trận chung kết C1 năm 1992. Ở trận đấu đó, dù Koeman là người ghi bàn quyết định, nhưng giới chuyên môn đánh giá Laudrup mới là cầu thủ xuất sắc nhất trận khi có 2 đường chọc khe như đặt cho Stoichkov (trong đó có 1 tình huống sút trúng cột dọc).
Tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi khi có sự góp mặt của Romario, cầu thủ ngoài EU làm vị trí trong đội hình chính của Laudrup bị đe dọa (thời đó tại Liga, chỉ có 3 cầu thủ nước ngoài được quyền thi đấu trên sân) và có vẻ như mối quan hệ giữa anh và Cruyff gặp trục trặc dẫn đến anh bị bỏ rơi trong 2 trận quan trọng nhất mùa giải 1994-1995 trước Real Madrid (tại Camp Nou) và trận chung kết C1 với AC Milan. Ở trận Siêu Kinh điển, mặc dù chỉ được vào sân từ băng ghế dự bị và mang áo số 14 (ở thời điểm đó các cầu thủ dự bị thường không được chọn số áo của mình), anh cũng đóng góp vào 2 bàn thắng của đội nhà với chiến thắng 5-0 trong đó có 1 đường chuyền “không nhìn” (Blind pass) cho Romario ghi bàn – một đặc sản mang nhãn hiệu Laudrup. Nhưng trong trận chung kết C1, mọi chuyện có vẻ tồi tệ hơn khi anh không được ra sân trong đội hình chính và Barça thua tan tác 0-4 trước lối đá khoa học của người Ý. Sau trận đấu đó, “tầm quan trọng” của anh không vì thế mà giảm sút khi Capello đã nói một câu bất hủ: “Laudrup là cầu thủ tôi sợ nhất nhưng không được Cruyff sử dụng, đó là một sai lầm”.
Những ngày cuối cùng của Laudrup tại Catalan đã điểm, mối quan hệ ngột ngạt và xấu đi trầm trọng với “Thánh Johan” đã không thể giữ chân “bộ óc vĩ đại” ở sân Camp Nou, mặc dù đã có 20.000 chữ ký của Cule mong anh ở lại. Anh đã ra đi, đau đớn thay, cái đích đến lại là Bernabeu ...
... Và lại là linh hồn tại Bernabeu
Trong phút chốc, tình cảm các Cule dành cho anh trở thành nỗi tức giận không thể kiểm soát. Trận đấu đầu tiên khi quay lại Camp Nou đã biến thành thảm họa, khi mỗi lần chạm bóng của anh bị hơn 90.000 tiếng la ó và huýt sáo, trên khán đài la liệt tấm biển mang dòng chữ Judas – Kẻ phản Chúa. Sau trận, Valdano – HLV của Real đã nói với anh rằng: "Giờ tôi đã biết họ đã yêu mến cậu đến thế nào nên mới tức giận như vậy". Ngay cả người thày đáng kính của anh trong 5 năm, Thánh Johan trong một khoảnh khắc không làm chủ được bản thân, đã có hành động không đẹp khi hất bóng đi xa trước cánh tay xin bóng từ Laudrup ở ngoài đường biên dọc...
Nhưng cái cách Laudrup phản ứng lại người thày của mình không phải ở ngoài sân bóng. Mùa giải đó, anh nhanh chóng trở thành thủ lĩnh trên hàng công của Real, là bộ óc, là chân chuyền số 1 tại Liga, là người truy rèn khả năng dứt điểm 1 chọi 1 của Zamorano và cậu bé con Raul. Báo chí thời đó (kể cả tại Việt Nam) đã phải giành những mỹ từ "thêu hoa dệt gấm", "đường kiến tạo xé nát hàng thủ..." để nói về những pha bóng có Laudrup tham gia. Đến "đối thủ bất đắc dĩ" của anh là Stoichkov đã phải thốt lên: "Hơn trăm bàn thắng mà tôi ghi, chắc có đến 50% từ những đường chuyền của Laudrup, chơi bên cạnh anh ta thật dễ dàng. Nhìn Zamorano thì rõ, Laudrup đã đến và Zamorano là một cầu thủ ghi bàn hàng đầu. Đôi khi tôi ghen tị với Ivan. Rất ít người được như thế, chắc chỉ Maradona, Schuster hay Roberto Baggio mà thôi. Đối với họ, đá bóng thật đơn giản mà đối phương chẳng thể tưởng tượng được".
Cũng như ở Barca, tại Real Madrid với nền tảng kỹ thuật và nhãn quan tinh tế, Laudrup thường xuyên có những đường chọc khe chính xác trước 6-7 cầu thủ phòng ngự đối phương để đồng đội đối mặt thủ môn ghi bàn. Chính anh đã góp phần lớn vào chiến thắng đậm đà nhất của Real trước Barça và là cầu thủ duy nhất tham dự 2 trận đấu Siêu kinh điển có tỷ số 5-0 mà đều là người chiến thắng. Nhớ lại những khoảnh khắc không thể quên đó, Laudrup thổ lộ: "Việc tôi chuyển sang Real không phải là một sự trả thù, mà chỉ đơn giản, tôi cần môi trường thi đấu đỉnh cao và không phải rời xa Tây ban Nha".
Ở tuổi 30, khi đã để lại những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời tại xứ Catalan, khi đối diện với sự thật "không còn được trọng dụng", quyết định chia tay để sang đội bóng khác đẳng cấp tương đương là điều có thể hiểu được. Nó cũng không khác nhiều so với sự ra đi của Schuster trước đó, Enrique hay Eto'o sau này và khác hoàn toàn so với hành động của Luis Figo. Cũng vì lẽ đó, khi thời gian trôi qua, phần lớn các Cule đã không còn oán trách anh, những biểu ngữ quá khích đã không xuất hiện, sự kỳ thị, những tiếng la ó đã không còn khi anh quay về mái nhà xưa, nơi đã in dấu giày của anh trong từng đường bóng cách đây 20 năm.
or post as a guest
Be the first to comment.