Barça: Cách mạng hay sự tiến hóa? Kỳ 2

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Barça: Cách mạng hay sự tiến hóa? Kỳ 2

Trước khi đi sâu hơn với Barça, chúng ta cần nhìn rõ hơn về những thay đổi liên tục trong bóng đá. Lấy Chiến tranh thế giới thứ hai làm cột mốc, bóng đá thế giới đã có những cuộc cách mạng thực sự, với Hungary là khởi đầu cho lối đá tấn công, và Italia tạo nên nét đẹp về phòng thủ.

Kỳ 2: Từ Hungary, Italia đến "Pep Team" 

Khi Hungary "dạy học" cho người Anh

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người Anh vẫn tự hào về sức mạnh của mình (trước đó không dự giải VĐTG). Có hai điểm để tuyển Anh tự hài lòng về mình: Một, là đất nước khai sinh ra bóng đá hiện đại. Hai, trong suốt 80 năm kể từ trận quốc tế đầu tiên, không đối thủ nào thắng được Anh khi làm khách của họ, với điểm tựa tinh thần là thánh địa Wembley.

Ngày 25/10/1953, lịch sử đã thay đổi. "Pháo đài" Wembley mà người Anh luôn xem là bất khả xâm phạm đã bị nát vụn trước sức công phá của đội khách Hungary. Một năm trước đó, Hungary là nhà vô địch Olympic Helsinki với lối đá tấn công kinh hồn, nhưng tuyển Anh của Sir Walter Winterbottom vẫn nghĩ mình mạnh hơn.

Hidegkuti và Hungary đã dạy cho người Anh về tấn công

Trận ấy, Hungary dạy cho người Anh lối chơi tấn công, khi bố trí đội hình với Nandor Hidegkuti đá lùi sau hàng tiền đạo. Cách mà HLV Gusztav Sebes bố trí Hidegkuti trở thành cuộc cách mạng lớn mà đến nay còn ảnh hưởng. Cụ thể, Hidegkuti chơi như một "số 9 ảo", khiến hàng thủ Anh không biết kèm thế nào. Ông lập hat-trick để giúp Hungary thắng 6-3.

Một năm sau đó, ở Budapest, trước sự chứng kiến của 92.000 khán giả, "những chú sư tử" vẫn quá nhỏ bé so với Hungary. Bản thân Hidegkuti ghi 1 bàn, và Puskas lập cú đúp để giúp đội chủ nhà thắng 7-1 (Ivor Broadis giúp Anh có bàn thắng khi đã nhận đến 7 bàn thua).

Từ cuộc cách mạng của Hungary, Brazil "ăn theo" bằng cách bố trí 4 hậu vệ, và 4 tiền đạo, với chỉ hai tiền vệ. Lối đá 4-2-4 ấy giúp Brazil với ngôi sao Pele giành 3 danh hiệu VĐTG các năm 1958, 1962 và 1970.

Phòng ngự kiểu Italia

Trong cái thời mà bóng đá thế giới đề cao tấn công, với Real Madrid mang phong cách Hungary, những đội bóng Đức chơi đầy khoa học, thì Helenio Herrera bất ngờ đi ngược với xu thế ấy. Ông chủ động chọn nền tảng phòng ngự để xây dựng đội bóng.

"Il Mago" đã lấy nền tảng 5-3-2 để làm nên một đội bóng phòng ngự đầy hiệu quả. Việc Inter thống trị bóng đá châu Âu đã biến Catenaccio trở thành đặc sản của Herrara cũng như bóng đá Italia.

Với Herrera và Catenaccio, Inter thống trị châu Âu

Trên thực tế, Herrara không phải người đầu tiên chọn lối đá phòng ngự. Trong thập niên 1930, khi Arsenal đá tấn công với "MW", thì Vittorio Pozzo đã áp dụng chiến thuật với 4 cầu thủ phòng ngự.

Nếu Arsenal gây đình đám trong giai đoạn ấy ở cấp CLB, thì Italia lên đỉnh cao thế giới với hai chức VĐ 1934 và 1938. Năm 1934, trừ trận ra quân thắng Mỹ với tỷ số 7-1, các trận sau đó Italia đều ghi không quá 1 bàn trong 90 phút chính thức. Điều đó cho thấy phòng ngự quan trọng với Italia như thế nào.

Cho đến giờ, lối đá tấn công mà Hungary sản sinh ra, cũng như kiểu phòng ngự Italia, vẫn có ảnh hưởng rất lớn.

"Pep Team" và bước tiến mới

Nửa cuối những năm 2000 là một ngã rẽ mới của bóng đá thế giới, khi Barça trở thành kẻ thống trị gần như tuyệt đối. Người ta gọi lối đá của Barça là tiqui-taca, nhưng trên thực tế Barça gần như không đá theo sơ đồ nào cả.

Từ 4-3-3 đến 3-4-3, Barca đều có sự vận hành theo cách riêng của mình: áp đảo bằng khả năng giữ và chuyền bóng. Ở Camp Nou, không có bất kỳ khái niệm vào về mặt hình thể, mà tất cả chỉ là kỹ năng với bóng.

Barça hiện tại là bước tiến mới của bóng đá

Barça đã và đang bóp nghẹt các đối thủ bằng những đường đan bóng hiệu quả. Thủ lĩnh trong lối chơi ấy là Xavi, khi mọi đường bóng gần như đều qua chân anh. Xavi từng làm việc với nhiều chiến lược gia khác nhau, nhưng chỉ phát huy hết tố chất cùng Pep.

Phía trên Xavi là vai trò trung tâm của Messi, tác giả những bàn thắng dễ như lấy đồ trong túi. Phía sau, ai cũng có thể đá phòng ngự cho Barça, khi các cầu thủ tuyến trên đã kiểm soát toàn bộ thế trận.

Không tấn công như Hungary, đi ngược với triết lý catenaccio, Barça đang chiến thắng theo cách ru ngủ đối phương rồi tung ra đường bóng quyết định. Với Pep, Barça đang trình diễn thứ bóng đá mà trước đó không đội nào chơi.

Có thể gọi đó là cuộc cách mạng cho thế giới bóng đá, cũng có thể nói đây giống như sự tiến hóa - quy luật tất yếu trong cuộc sống. Điều đó cũng có nghĩa, sẽ tới một thời điểm có sự khắc chế và đánh bại được Barça. Chỉ có điều, bao giờ ngày ấy diễn ra thì còn phải chờ.

Ngọc Huy

Barça: Cách mạng hay sự tiến hóa?

Barça, ¿evolución o revolución?

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.

Top Bloggers

  • Sample avatar

    Bằng Nguyễn

    Cựu Chủ tịch FCBVN

  • Sample avatar

    Hoàng Thông

    Nhà báo

  • Sample avatar

    Mạnh Hiển

    Bí thư xã