Dư âm sau trận Osasuna - Ngổn ngang giữa chiến thắng

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tito Vilanova chỉ đạo trong trận gặp Osasuna

Liga đã trải qua 2 trong số 38 trận của cả mùa bóng, cũng là 2 trận đầu tiên Tito dẫn dắt Barça trong một sứ mệnh đòi lại ngôi vương tại giải đấu này.

Nếu như ở trận gặp Sociedad, “bàn tay nhỏ” đã phủ kín những điểm yếu (nếu có) về kỹ chiến thuật của đội bóng xứ Catalan và khoảng cách 70 mét giữa 2 đường biên dọc luôn là lợi thế sân nhà không thể chối cãi của Barça thì ở trận đêm qua trước Osasuna, những điểm yếu cố hữu đã lục tục kéo về đầy đủ, để giới chuyên môn nhận ra một điều rằng chẳng ai có thể xây lâu đài trong một ngày.

Tito, cái tên “bất đắc dĩ” nhanh chóng lựa chọn thay thế Pep thể hiện ý chí của Ban Lãnh đạo đội bóng không muốn thay đổi lối chơi đã trở thành thương hiệu, một cỗ máy thu hoạch 14 danh hiệu trong vòng 4 năm qua, nhưng cũng đồng nghĩa với việc: những điểm yếu cố hữu vẫn còn nguyên đó, nó làm dấy lên nỗi hồ nghi về một chu kỳ thành công mới của đội bóng xứ Catalan.

Như nhiều chuyên ra đã nhận định, sự ra đi của Pep không chỉ là kết quả của những tháng ngày mệt mỏi, sức ép trên băng ghế chỉ đạo, không chỉ từ sự “bội thực” danh hiệu mà Pep đã có, cũng không hẳn vì ông cần một bến đáp mới, một mục tiêu mới cho những tham vọng của bản thân mà cũng từ sự bất lực đối với những “căn bệnh âm ỉ” không đủ để sụp đổ một đế chế nhưng có tính hệ thống và “khó chữa” hơn người ta tưởng. Có thể liệt kê như sau:

1. Lối chơi tiqui tacca chưa bao giờ được vận hành tốt trước một đối thủ chủ động chơi phòng thủ nhiều tầng, thể lực sung mãn và nhất là khi không được đá tại Camp Nou có chiều rộng thuộc loại khủng nhất thế giới (70m).

2. Lối chơi tiqui tacca dựa trên sự luân chuyển bóng liên tục giữa các cầu thủ có trình độ kỹ thuật cao, gắn kết và chạy chỗ liên tục, nhưng cũng quá ít phương án tấn công cánh kể cả khi trung lộ đã bị bịt kín. Nên ở một số trận cuối mùa giải (khi thể lực các cầu thủ không đảm bảo) khán giả thường phải chứng kiến sự bất lực đến tuyệt vọng của các cầu thủ Barça khi họ đánh mất cả sự tự tin vào lối đánh quen thuộc.

3. Đội hình mỏng manh và quá ít những phương án B. Do vậy bước vào giai đoạn nước rút, những Xavi, Sanchez hay Cesc và thậm chí cả Messi phải cày ải liên tục mà không có sự thay thế tương xứng cũng như chiến thuật thay thế phù hợp với chất lượng nhân sự.

4. Việc sử dụng Messi như một lá bùa để đảm bảo chiến thắng của đội bóng là một sự phản khoa học. Chỉ nghỉ 2 trận trong cả mùa và đều đá đủ 90 phút đã vắt kiệt khả năng bùng nổ của cầu thủ này trong những trận đấu quan trọng cuối mùa (với Chelsea và Real) kể cả khi Pep giải thích đó là do yêu cầu của cầu thủ trẻ này hay đó là cách thỏa mãn niềm đam mê trái bóng của cậu, thì cách làm đó đầy rẫy những rủi ro mà chỉ có may mắn, Messi mới thoát khỏi những chấn thương đáng tiếc.

5. Việc bố trí nhân sự ở một số thời điểm quyết địnhkhông hợp lý. Đơn cử là đặt niềm tin vào Tello ở trận đấu then chốt với Real không những làm Barça hết hy vọng bám đuổi kỳ phùng địch thủ tại sân chơi Liga mà vô tình làm thui chột một tài năng trẻ mà thời điểm đó chưa phù hợp cho một trận đấu lớn đến thế.

6. Sự phụ thuộc quá mức vào khả năng săn bàn của Messi và bất lực trước “hiện tượng” tất cả các tiền đạo có trong tay đều mờ dần và biến mất khi chơi bóng bên cạnh cầu thủ này mặc dù anh không phải là một cầu thủ ích kỷ, cũng không hề có những mâu thuẫn nào trong phòng thay đồ.

Và rồi, Tito xuất hiện. Chẳng ai lạc quan đến mức hy vọng Tito sẽ làm tốt hơn những gì Pep đã cống hiến trong 4 năm ở Barça. Nhưng ngoài hy vọng về một người đủ chất Catalan để có thể “giữ ngọn lửa thiêng Tiqui tacca” thì đa phần họ còn hy vọng vị “bác sĩ chuyên khoa” này có khả năng chữa căn bệnh mà Pep đã bất lực trong những năm tháng huấn luyện Barça.

Bỏ qua một số trận giao hữu đầu mùa, nơi những thử nghiệm nhân sự có thể làm biến dạng những thay đổi mà Tito có thể đem lại, thì trận đấu với Sociedad và phần nào là trận đấu với Real, Tito đã cho thấy những thay đổi mang tính tích cực:

1. Lối chơi tiqui tacca đã vận hành nhanh hơn, luân chuyển bóng luôn được thực hiện với tốc độ khá cao.

2. Đã thấp thoáng ở đâu đó kế hoạch B bên cạnh lối đá trung lộ từ thời Pep. Đã có nhiều hơn những pha xuống cánh tốc độ để tạt vào trong cho tiền đạo ghi bàn. Đã xuất hiện nhiều hơn những pha bóng vượt tuyến, những cú sút xa và chớp thời cơ ở những pha dàn xếp đá phạt.

3. Việc sử dụng nhân sự hợp lý hơn trong từng trận đấu, theo phương châm, cầu thủ trẻ dành cho những trận đấu có sức ép vừa phải và trên sân nhà. Với những trận quan trọng, hoặc trên sân khách, ưu tiên sử dụng cầu thủ dày dạn kinh nghiệm. Ngoài ra việc xoay tua cầu thủ giữa Xavi, Iniesta, Pedro, Sanchez, Cesc v.v hợp lý hơn so với thời của Pep.

Tuy nhiên nếu phân tích những gì Tito thể hiện trong trận với Osasuna hôm qua, và đối chiếu với những “căn bệnh” Barça mắc từ thời Pep, chúng ta vẫn chưa thấy dấu ấn của một thày thuốc cao tay nơi Tito, hay nói cách khác, những điểm yếu cố hữu chắc vẫn đeo đẳng Barça dài dài nữa (hoặc có thể là mãi mãi). Có thể thấy rất rõ những điểm tối trong một chiến thắng đầy may rủi hôm qua:

1. Phong độ thi đấu trên sân khách không hề được cải thiện trong trận đấu với Osasuna. Đây có lẽ không còn nằm trong phạm trù kỹ chiến thuật, mà là ở rào cản tâm lý của cầu thủ.Thi đấu trên sân khách trước đối thủ rõ ràng là yếu hơn mọi mặt nhưng Barça không còn là chính mình, không tiqui tacca, không cầm được bóng (như những trận trên sân nhà), không nhịp điệu và quá ít những pha dàn xếp có nét suýt đã hạ gục đội bóng vừa chiến thắng một Real hùng mạnh.

Vấn đề chính ở đây là do cách tiếp cận trận đấu và tâm lý của các cầu thủ. Vì vẫn những cầu thủ đó, khi thi đấu tại Bernabeu trước một đối thủ mạnh nhất, họ vẫn biểu diễn và còn có thể “nô đùa” với trái bóng. Nhưng trước Osasuna thì không.

2. Lối đá nhanh trong trận với Sociedad đã không thành công và hiện nguyên hình là một nỗi thất vọng. Ở giữa hiệp 1 chúng ta không còn nhận ra đó là Barça, vì tốc độ lên bóng đi kèm với những đường chuyền ngớ ngẩn, những cú mở bóng dài thiếu chính xác, những đường chọc khe ở biên luôn non. Tóm lại, nhìn họ, những người hùng của 3 hôm trước tại Camp Nou dường như đã biến thành những cầu thủ tầm trung chơi tại Premier League vậy.

3. Việc ghi bàn nghiễm nhiên được giao cho Messi và sự tin tưởng tuyệt đối đó đã được thể hiện qua những pha dứt điểm liên tiếp của Iniesta, sự bất lực và vô duyên của Sanchez và sự biến mất của Cesc trong phần lớn thời gian thi đấu. Đành rằng chính sách tuyển mộ và khả năng tài chính có ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ trong tay Tito, khi ông không thể có mẫu cầu thủ trung phong như Llorente để kết thúc những pha tạt bóng từ biên, nhưng chẳng phải, trước kia những Villa, Sanchez hay Pedro cũng đã từng là những tiền đạo sắc bén hay sao? Chính “những vấn đề” từ hệ thống thi đấu của Barça đã “giết chết” họ và Tito chưa làm gì để cải thiện.

4. Những sai lầm ngớ ngẩn và ngây thơ vẫn liên tiếp diễn ra với mật độ thường xuyên hơn cả thời của Pep mà Tito không thể ngăn cản. Ngoài cú lừa bóng của Valdes mang tai họa trong trận với Real, đêm qua Busquet cũng suýt giúp Osasuna nâng đôi cách biệt bằng 1 pha gẩy gót tội lỗi khi đằng sau chỉ còn là Vades lẻ loi. Đây rõ ràng là vấn đề tâm lý thi đấu, và việc siết chặt kỷ luật của HLV. Không một CLB hàng đầu nào lại chấp nhận và để tình trạng đó lặp đi lặp lại dày đặc như vậy.

Hãy tạm chưa bàn đến đấu trường châu Âu, khi những đối thủ đều thuộc già rơ tới từ các nền bóng đá khác nhau, chỉ riêng ở giải Liga, yếu tố số 1 mang lại thành công là hiện thực hóa sự vượt trội của Barça với các đội bóng “chiếu dưới” bằng 6 điểm (2 lượt trận) như cái cách MU những năm cuối thập kỷ 90 bắt nạt các đội bóng ở giải Anh thay vì chỉ thắng 2 trận Siêu kinh điển và đánh rơi cả cơ số điểm tại sân khách.

Để thực hiện việc tưởng chừng như đơn giản ấy, Tito còn quá nhiều việc phải làm để chứng tỏ năng lực cầm quân của mình, duy trì hệ thống thi đấu đã vận hành tốt trong những năm qua và hơn hết, chữa được căn bệnh “kinh niên” mà Pep đã để lại.

3 chiến thắng sau 3 trận đấu chính thức là hành trang không thể tốt hơn của Tito khi bước vào ngôi đền linh thiêng tại sân Camp Nou nhưng rõ ràng sự mong manh trong những chiến thắng đó chẳng thể là sự bảo đảm để ông chinh phục những những danh hiệu cao quý trong mùa bóng đầu tiên dẫn dắt Barça.

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.

Top Bloggers

  • Sample avatar

    Bằng Nguyễn

    Cựu Chủ tịch FCBVN

  • Sample avatar

    Hoàng Thông

    Nhà báo

  • Sample avatar

    Mạnh Hiển

    Bí thư xã