Khi Barça khôn nhà dại chợ

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Khi Barça khôn nhà dại chợ

Ở Việt Nam, gần tháng nay xôn xao vụ việc hai danh ca đạo mạo được yêu mến và tột bậc đáng ngưỡng mộ của dòng nhạc cách mạng...khinh tiền.

Nói ra ắt hẳn các bạn thừa biết vụ việc trên là gì rồi. Ngẫm lại cũng chỉ vì đồng tiền thì chỗ nào cát-xê cao là họ tới. Thế là người ta mới lôi hàng loạt vụ việc ra để chửi xéo: hoá ra dòng nhạc cách mạng này cũng toàn ca sĩ thị trường. Việc 2 ca sĩ sẵn sàng từ bỏ thượng lệnh mang tính ngoại giao quốc gia để trở về sớm cũng chỉ giúp họ kiếm thêm được một số tiền kha khá cho một đêm diễn. Nhưng cái giá phải trả khi là người mang danh dự, trách nhiệm của đất nước bị đánh mất thì nó lớn vô cùng. Đó là toà án lương tâm của người nghe phán xét. Anh hát rất hay, chị hát tuyệt vời...đó chỉ là kỹ thuật. Trong triệu người mới có 1 người tài năng như anh như chị nhưng cũng trong triệu người mới thấy có người như anh như chị mang danh dự tổ quốc xếp sau mục đích cá nhân.

Chẳng nói gì cao xa, dù sao 2 ca sỹ của Việt Nam cũng nhận lỗi và hướng thiện. Rồi mọi người sẽ lại yêu quý họ và nâng tay chào đón họ. Điều này người Việt Nam có thể tự hào vì ở tít xứ Catalan người ta không làm vậy.

Cũng giống như hai ca sỹ nọ, xứ này tổ chức 1 giải đấu nội bộ mang thương hiệu truyền thống của xứ. Lịch sử chính trị của xứ mang tính cục bộ địa phương nhưng nó lại ở tầm khẳng định chủ quyền và thể hiện bộ mặt thiết chế che giấu phía sau. Đó là bản chất. Và đội bóng lớn nhất xứ đó cũng là đội bóng nổi tiếng toàn thế giới. Các nhà chính trị tin rằng chỉ cần đội bóng đó đá giải hằng năm, nâng cúp hàng năm thì cả thế giới thường xuyên biết được về xứ đó và mang lại một hình ảnh trí não, một sức mạnh mềm nhằm cổ vũ cho lý tưởng tranh đấu của họ. Đùng một phát, đội bóng lớn tuyên bố chỉ mang đội hạng hai đi đá giải. Lý do đưa ra rất hợp lý: sợ chấn thương. Chấn thương thì sao? Thì họ có nguy cơ mất nhân sự và như thế là mất cơ hội giành được các cúp khác cho dù nó còn lâu mới đá hay có đá thì cũng còn lâu mới kết thúc. Chấn thương thì sao? Thì ai chả tiền lương cho các bệnh binh đó? Liên đoàn bóng đá xứ, quốc hội xứ hay đội bóng làm cầu thủ đó chấn thương.

Xét trên bình diện bóng đá, việc một đội bóng viện cớ chấn thương để tuyên bố mang đội B đi đá giải chắc chỉ mới xuất hiện tại xứ này. Ở Việt Nam, người ta tổ chức các giải quốc tế và thường xuyên bị đổi trắng thay đen nhân sự mà có ai làm gì được đâu. Nhưng ở đây họ lịch sự lắm. Phải thông báo trước để đối phương biết mà đá. Anh mang đội B thì chắc chú cũng mang đội B đi cho vui. Nghe hay à nha. Nhưng liên đoàn bóng đá nhảy dựng lên. Chúng bay coi thường xứ vừa vừa thôi.

Vậy là sức ép được đưa ra và liên đoàn buộc phải lựa chọn: hoặc huỷ, hoặc phải đổi lịch. Huỷ giải thì nó là một thất bại to lớn về mặt chính trị và giao lưu. Không ai muốn điều đó và các nhà ngoại giao con thoi đã làm việc để cho ra lò một thời điểm lịch thi đấu mới hợp lý cho ông lớn hơn. Ngẫm cũng phải, đến liên đoàn bóng đá hoàng gia Tây Ban Nha còn phải liệt ông lớn đó vào dạng đặc cách cho xếp lịch thì liên đoàn nhỏ cỡ xứ là cái quái gì. Chung quy, bóng đá vẫn được tổ chức. Người dân trong xứ vẫn có cơ hội gặp gỡ, tổ chức lễ hội. Chẳng qua cũng chỉ là rời lịch mà thôi. Đơn giản thế mà không nghĩ ra.

Nhưng xét trên bình diện ngoài bóng đá, xứ Catalan lâm vào một sự kiện hy hữu. Chỉ với một hành động nhỏ xuất phát từ ý tưởng nhân văn đã biến các sự kiện vốn giản đơn thành các hoạt động chính trị. Đầu tiên là ý tưởng nên tránh chấn thương vì một trận đấu vô thưởng vô phạt. Nhưng khi ý nghĩ đó lộ ra thì chả khác nào thể hiện một sự khinh thường lộ liễu. Đối thủ cảm thấy bị sỉ nhục. Liên đoàn cảm thấy bị tổn thương và họ không muốn tổ chức một trận đấu mà nguy cơ đối thủ cũng mang đội B đến đá cùng các anh hoặc họ sẽ bị kích động vì bị sỉ nhục mà đá rắn, đá láo. Cuối cùng tinh thần giải đấu bị mất mà chính các chấn thương mà ông lớn muốn tránh lại bị đẩy sang các cầu thủ trẻ. Ác thật. Liên đoàn huỷ là phải. Ngẫm đến đây thì đội bóng lớn có cách cư xử cá nhân thay vì mang danh dự của cả xứ chả khác nào mấy ca sỹ bỏ trốn về nước của Việt Nam ta. Chỉ có điều, Việt Nam ta còn ngây thơ chán.

Khi được tin sẽ đá vào ngày khác, ông lớn bị sức ép dư luận quá lớn đành phải chấp nhận đá. Khủng hơn, theo kèm là một văn bản 4 điều răn đe lại liên đoàn xứ. Điều đầu nghe rất ngoại giao rằng tôi vẫn ủng hộ các ông cũng như các hoạt động các ông tổ chức. Sang điều hai là chấp nhận. Nhưng hai điều sau thì bắt đầu răn đe ra oai. Barça bây giờ tự cho mình cái quyền còn hơn cả một câu lạc bộ và con đường ở đây là sẵn sàng phủ đầu một thể chế chính trị đứng đằng sau. Barça chả khác gì một đế chế sống trong một diện tích chật hẹp về địa lý và có vẻ đang xa rời dần tư tưởng Catalunya. Nói một cách khác là Barça đang tự trị trong lòng xứ Catalan.

Thất bại trong việc tổ chức giải đấu ban đầu được cứu vãn bằng việc phải rời lịch. Nhưng ngoài yếu tố bóng đá đơn thuần, cách xử sự của Barça mang lại một tỳ vết và cách ứng xử xấu trong tương lai. Cho dù giải đấu vẫn được tổ chức và thành công thì nó vẫn là một thất bại về chính trị đứng đằng sau khi không thể thuần phục được Barça và các lãnh đạo của họ. Do đó người Việt Nam vẫn còn mừng chán khi hai ca sỹ của họ không đăng đàn và đưa ra một văn bản nào có điều kiện tương tự như Barça vừa làm. Đó là khi cái tôi cá nhân quá lớn vượt qua ranh giới danh dự và trách nhiệm cho tổ quốc. Giá mà Barça làm những chiêu trò này vào năm ngoái với người Tây Ban Nha thì họ đâu phải chịu uất ức mất cúp. Âu cũng là khôn nhà dại chợ.

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.

Top Bloggers

  • Sample avatar

    Bằng Nguyễn

    Cựu Chủ tịch FCBVN

  • Sample avatar

    Hoàng Thông

    Nhà báo

  • Sample avatar

    Mạnh Hiển

    Bí thư xã