Ngày 11 tháng 9: từ Mỹ tới Catalunya và Barça

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Ngày 11/9 của Mỹ

Ngày đó tôi còn bé, chỉ mới 10 tuổi, nên thực tế là tôi chưa biết và chưa quan tâm đến các chủ đề địa chính trị, thời sự. Tôi biết và bắt đầu nhớ về ngày 11/9 vào ngày 12/9.

Thời ấy gia đình tôi chưa có điều kiện lắm. Nơi ở của tôi, mọi thứ đến với tôi bấy giờ đều thông qua chiếc tivi Panasonic, và thường là đến chậm hơn so với thời đại. Internet là xa hoa và máy tính là xa xỉ (đến năm lớp 8 tôi mới có cái máy tính và tận năm 12 mới có mạng riêng). Tôi nhớ như in rằng vào trưa 12/9, một người bạn của ba tôi tới nhà chơi, rồi nói ba tôi mở tivi coi "cái vụ Mỹ bị khủng bố". Ở Mỹ, sự kiện diễn ra vào lúc 8-9h sáng 11/9, nghĩa là ngang ngửa giờ ấy ở VN vào buổi tối cùng ngày. Và sáng ngày hôm sau thì ở trường, tôi và bạn bè vẫn còn đang nói về cái chủ đề Sea Games. Phải, năm đó có Sea Games, nên nhớ tới 11/9 của Mỹ là tôi nhớ tới cái Sea Games.

Sự kiện 11/9 ở Mỹ ngày ấy và đến tận bây giờ, với tôi thực tâm mà nói, không mang lại cảm giác đủ cảm thông với nước Mỹ hay với những nạn nhân. Mọi thứ đơn giản chỉ là cảm giác khủng khiếp đến từ những hình ảnh được chứng kiến. Một dạng khung cảnh rùng mình kiểu Hollywood của đời thực. Cảm giác mủi lòng chỉ đến cách đây vài năm sau khi tôi được xem một đoạn cuối của phim Remember Me. Dẫu vậy, sự hâm mộ và ham khoái trong tôi với nhiều lĩnh vực của Mỹ chưa bao giờ thay đổi.

Sau sự kiện ấy, chúng ta bắt đầu được nhắc đến các từ "khủng bố", "đánh bom" thường xuyên hơn qua các bản tin. Từ đánh bom Bali 2002, đến đánh bom Madrid 2004, hay đánh bom London 2005,... Ngày 11/9 dường như mở đầu cho tất cả, cho sự đánh mất trọng tâm và những mục tiêu quốc gia đáng ngạc nhiên của Mỹ những năm về sau, và cho cả sự thái quá trong cách tiếp nhận thông tin từ truyền thông của chúng ta. Những vụ đánh bom, với số người chết ít, kết hợp cùng cường độ đưa tin, đều tạo ra cảm giác kịch tính, kinh hoàng. Mọi thứ được soi dữ hơn, và đều có thể trở thành hot. Khó có thể đánh giá chính xác thời cuộc, vì thực tế chúng ta không được tiếp cận những tư liệu về hàng triệu người chết trong các cuộc chiến tranh Iran-Iraq hay tại Congo những thập niên trước đó... Nói như nhà báo Fareed Zakaria thì "Những hành động của chủ nghĩa khủng bố chủ yếu hướng tới chính thái độ tiếp nhận hay phản ứng của chính những khán giả của nó". Nó đã thành công, bởi kể từ sau cú 11/9, nước Mỹ tự nhận cuộc chiến chống khủng bố là của riêng họ. Và Thomas Friedman về sau có nhận xét rằng "Cuộc chiến chống khủng bố không chỉ riêng của Mỹ. Đúng, nước Mỹ không được phép quên ngày 11/9, không được phép quên kẻ thù của tôi là ai. Nhưng trên hết, nước Mỹ cần nhớ tôi là ai. 11/9 là ngày lễ của khủng bố, nhưng 04/7 mới là ngày lễ của nước Mỹ."

Nếu như thị trường tài chính Mỹ hay thế giới đã chịu một cú vấp nặng nề và phải mất một thời gian rất dài sau đó mới hồi phục, thì với những sự kiện khủng bố về sau, mọi thứ đã khác. Kinh tế dường như không bị sứt mẻ gì nhiều. Dần dà, thế giới quen dần với chuyện khủng bố hay đánh bom. Đó là lúc chúng ta nhận thấy rằng con người đã tìm ra phương cách để chống lại nó: thái độ phản kháng kiên quyết thay vì sợ hãi. Truyền thông vẫn làm công việc của nó, vẫn nêu bật những tin tức khủng bố, nhưng con người với những trải nghiệm của tôi vẫn tiếp tục cuộc sống, mặc cho nguy cơ luôn rình rập.

Ngày 11/9 của Catalunya

Với bờ Đông bán đảo Iberia, tại Catalunya, ngày 11/9 của hôm nay, đánh dấu 400 năm kể từ sự kiện 11/9/1714. Hôm nay nói nôm na là Ngày Quốc khánh Catalunya, ngày lễ "Diada Nacional de Catalunya", gọi tắt là Diada. Lịch sử về ngày Diada này có thể kể vắn tắt như sau:

Từ thế kỷ thứ 17, Catalunya đã là một nền cộng hoà đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Sự qua đời của vua Tây Ban Nha Charles II đã châm ngòi cho Cuộc chiến Ngai vàng (Kế vị), trong đó liên minh gồm các nước Âu muốn ngăn cản việc hợp nhất của Tây Ban Nha và Pháp dưới sự trị vì của Philip Anjou, người vốn được chọn thừa kế bởi Charles. Ngày 11/9/1714, vua Philip V vương triều Bourbon của Tây Ban Nha sau 14 tháng trời công thành Barcelona đã đánh bại quân đội Catalunya, vốn chiến đấu để ủng hộ vương triều Hapsburg. Thất bại của Barcelona đồng nghĩa với việc kết thúc sự tồn tại của Công quốc Catalunya, độc lập tự do của Catalunya không còn khi hoàn toàn bị hợp nhất với Tây Ban Nha. Vậy nên, khác với bao ngày lễ khác trên thế giới, Diada đánh dấu sự kiện thất bại thay vì chiến thắng. Ý nghĩa nhắc nhở người dân rằng tự do của họ đã bị mất đi vào ngày lễ ấy, từ đó cổ vũ người dân Catalunya chống lại áp bức, giành quyền độc lập.

Năm nay, công cuộc (không còn là phong trào nữa) đòi độc lập khỏi Tây Ban Nha đã lên đến cao trào. Ở Catalunya, ngày hôm nay được gọi là Ngày V. Chữ V tượng trưng cho 3 thứ: Via (con đường), Votarem (bỏ phiếu) và Voluntat (quyết chí); đương nhiên cũng có thể tượng trưng cho "Victory". Sẽ (đã) có một chữ "V" lớn được tạo nên ở phía bắc Barcelona, nơi hai con đường lớn giao nhau. Những bức ảnh, những thông điệp về Ngày V được phát tán, chia sẻ rầm rộ trên các mạng xã hội. Và trong trận đấu tới trước Athletic Bilbao trên sân nhà Camp Nou, Barça sẽ thi đấu trong trang phục màu quốc kỳ Catalunya vàng-đỏ (Senyera) như một động thái kỷ niệm ngày 11/9. Đảng Dân chủ của ông Artur Mas (chủ tịch Catalunya) đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 09/11 tới đây, về việc độc lập khỏi Tây Ban Nha. Số lượng người ủng hộ độc lập đang tăng lên từng ngày, nguyên nhân đến từ thái độ ngoan cố từ chối bàn về vấn đề này của Madrid. Chính quyền Madrid tuyên bố cuộc bỏ phiếu nếu diễn ra ngày 09/11 sẽ bị coi là vi hiến.

Năm nay có một ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc nói trên của Catalunya. Một phần vì cũng ngay trong lòng châu Âu, người dân Scotland vào tuần sau sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu quyết định xem có tách khỏi Vương quốc Anh hay không. Tương lai của Scotland sẽ có một ảnh hưởng nhất định đến các hướng đi tiếp theo của Catalunya. Nền độc lập của Scotland sẽ phụ thuộc vào sự công nhận của cộng đồng quốc tế, và một khi được bật đèn xanh, Catalunya sẽ thêm phần tự tin cho công cuộc của tôi. Và cũng cần nhớ rằng, từ lâu, giới bóng đá vốn xem Celtic của Scotland là anh em với Barça của Catalunya. Giữa Scotland và Catalunya xét trong ngữ cảnh này tồn tại nhiều điểm chung. Nhưng cách thức để tiến đến độc lập lại rất khác. Ở Scotland, công cuộc ban đầu được chỉ đạo bởi một đảng phái (đảng Dân tộc SNP), về sau là sự tham gia của các nhóm phong trào, những cuộc tuần hành trên đường phố diễn ra rầm rộ, và đặc biệt chính phủ Anh cho phép cuộc trưng cầu dân ý diễn ra. Trong khi đó, ở Catalunya, các nhóm phong trào đi tiên phong, các Đảng phái mất một thời gian mới theo sau và chính phủ Tây Ban Nha như đã nói không với cuộc trưng cầu.

Chủ tịch Bartomeu bên tượng đài Rafael CasanovasChủ tịch Bartomeu bên tượng đài Rafael Casanovas

Dù kết quả có ra sao thì tất yếu cũng sẽ ảnh hưởng đến FC Barcelona. Barça gắn liền với slogan "Més que un club" (Hơn cả một câu lạc bộ). Đấy thực sự là một CLB khác biệt. Sự khác biệt đến từ cấu trúc tổ chức của CLB là những hội viên sở hữu, không như những dạng CLB là "công ty tư nhân". Từ đó mà nảy sinh các quyền của hội viên trong những vấn đề trọng hệ của CLB. Một dạng tổ chức dân chủ. Nhưng quan trọng, Barça đơn giản là hiện thân của Catalunya, Barça là một sự lý giải với thế giới về Catalunya. Cựu phó chủ tịch và cũng là cựu Tổng giám đốc Barça thời Joan Laporta, nay là giám đốc điều hành Manchester City, Ferran Soriano từng miêu tả: "Catalunya, vì những lý do của chuyển biến lịch sử, mà dẫn đến thiếu vắng những giá trị biểu tượng hay bản sắc. Barça trở thành cách đơn giản nhất cho chúng tôi cất tiếng nói giới thiệu bản thân tới thế giới. Qua Barça, chúng tôi nói với thế giới rằng, đúng vậy, ở bán đảo Iberia có tồn tại một quốc gia là Catalunya."

Nếu Catalunya độc lập, tách khỏi Tây Ban Nha, thứ làm nên sự hiểu biết của thế giới về quốc gia này, là Barça sẽ đứng trước nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề, thậm chí trải qua một giai đoạn dài khủng hoảng. Những hệ luỵ có thể như: Barça không được đá Liga, mất tiền bản quyền truyền hình, phải đá ở giải Catalunya, tiền đâu nuôi đội bóng, những ngôi sao ra đi, El Clasico chỉ còn là quá khứ, Real Madrid thống trị Liga,... là những viễn cảnh khó một Culé nào mong đợi. Catalunya đến với thế giới nhờ Barça, kết quả đến được đồng nghĩa với việc gây tổn hại cho chính biểu tượng làm nên mình. Đó không gì khác ngoài một bi kịch!

Các cầu thủ Barça dâng hoa bên tượng đài Rafael CasanovasCác cầu thủ Barça dâng hoa bên tượng đài Rafael Casanovas

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.

Top Bloggers

  • Sample avatar

    Bằng Nguyễn

    Cựu Chủ tịch FCBVN

  • Sample avatar

    Hoàng Thông

    Nhà báo

  • Sample avatar

    Mạnh Hiển

    Bí thư xã