Tản mạn về các trường phái bóng đá: Bàn thắng đến từ đâu?

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Câu hỏi ngớ ngẩn này sẽ bắt đầu cho loạt bài nói về các trường phái trong lịch sử bóng đá, về lối chơi tiqui tacca và tất nhiên, cuối cùng, tâm điểm vẫn là Barca và các cầu thủ của họ.

Trong bóng đá, bàn thắng tất nhiên đến từ những pha dứt điểm, nhưng câu trả lời đơn giản đó không thể thỏa mãn được bất kỳ ai am hiểu về bộ môn này mà nó chỉ làm nảy sinh ra nhiều câu hỏi khác khó hơn nhiều: Vậy làm thế nào để một đội bóng có thể dứt điểm? và xa hơn là giành chiến thắng?

Về nguyên tắc, cú dứt điểm có khả năng thành bàn phải xuất phát từ một tình huống nguy hiểm, mà ở đó, cầu thủ được đặt vào vị trí thuận lợi, phù hợp với khả năng kỹ, chiến thuật của anh ta.

Và thế là một câu hỏi nữa lại được đặt ra, làm thế nào để tạo được một vị trí thuận lợi cho cầu thủ tấn công dứt điểm và ghi bàn? Vâng, các bạn đã đến rất gần với cốt lõi của vấn đề rồi: Nếu coi hệ thống phòng ngự của đối phương là một khối bê tông hình chóp với 4 hay (thậm chí) 5 cầu thủ hậu vệ và 3 đến 4 tiền vệ, thì chỉ khi đội tấn công làm khối bê tông này "biến dạng" hay "xộc xệch", làm các vị trí phòng thủ không đứng đúng vị trị cần phải đứng, khi đó cơ hội ghi bàn mới xuất hiện.

Các trường phái bóng đá trong lịch sử

Từ hơn nửa thế kỷ nay, người ta đã sáng tạo ra nhiều "chiến lược" để đạt được mục đích này (tạo cơ hội, ghi bàn). Nếu người Anh đi tiên phong trong lối đá "giãn biên", nhằm cán mỏng hàng phòng ngự của đối phương theo chiều ngang, kết hợp các pha chuyền dài, chồng cánh để rồi tạt bóng vào trung lộ tạo nên cơ hội ghi bàn (điển hình là Liverpool trong thập kỷ 70-80) thì những người Hà Lan lại có cách tiếp cận "cao siêu" hơn, tiêu biểu là trường phái bóng đá tổng lực của Rinus Michels đề cao sự cơ động của cả 7-8 cầu thủ luôn tạo nên sức ép, sự vượt trội về quân số so với đối phương trong mỗi đợt tấn công (cũng như phòng thủ) mà theo đó đối phương tất yếu dẫn đến "hỗn loạn" ở hàng thủ. Thành công của Ajax và đội tuyển Hà Lan những năm đầu thập kỷ 70 tại đấu trường Quốc tế là minh chứng hùng hồn nhất cho lối đá "đi trước thời đại" của họ.

Ở Nam Âu, người Ý có cách nghĩ riêng của họ. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, các đội bóng Ý đã quan niệm thời cơ tốt nhất để ghi bàn là khi đối phương ... tấn công, khi ấy chỉ cần một cú phát động tấn công hợp lý, bàn thắng sẽ đến như một tất yếu của cuộc chơi, bởi hệ thống phòng ngự không kịp tổ chức thành một khối sau đợt tấn công không thành. Lối đá này về cơ bản được duy trì qua thời gian (tiêu biểu là Inter của thập kỷ 60, Juve của thập kỷ 90) và đặc biệt "nguy hiểm" khi kết hợp với lối chơi pressing tạo nên một sức ép nghẹt thở lên hệ thống phòng ngự của đối phương, tiêu biểu nhất là hiệp 1 trận Ý – Đức năm 1996, khi tuyển Đức (sau đó vô địch), đã không thể lên nổi bóng vì bởi một đội Ý (đang ở thế cùng đường và cuối cùng bị loại từ vòng bảng).

Trong khi đó, vào thời hoàng kim của bộ tứ tiền vệ Michel Platini, Alain Giresse, Jean Tigana, Luis Fernandez, người Pháp đã làm mưa làm gió ở Châu Âu với hình vuông kỳ ảo này, bằng lối ban bật nhóm 1-2 đậm chất kỹ thuật, như mũi khoan xuyên giữa lớp bê tông được cho là dầy nhất, vững chắc nhất. Thành công của đội Pháp (Vô địch Euro 84, Bán kết World Cup 82, 86) cũng gần giống với lối đá Brasil áp dụng tại Espana 82, tiêu biểu cho lối đá hoa mỹ, đậm chất kỹ thuật, xứng đáng tạo nên một trường phái riêng biệt (mà giới chuyên môn ít khi nhắc đến) cho dù để thi triển, cần có những cá nhân kiệt xuất (Platini của Pháp, hay Socrates, Zico của Brasil).

Tất nhiên bóng đá thế giới còn nhiều trường phái nữa, như AC Milan của Sachi (88-90), Dinamo Kiev của Lobanovsky (84-87), Steaua Bucarest của Lacatus (86-88), hay Đan Mạch của Nielsen (92) nhưng tựu chung chúng đều là sự pha trộn khéo léo của các trường phái bóng đá kể trên để phù hợp với thể trạng, trình độ kỹ chiến thuật của cầu thủ mà những HLV có trong tay.

Như vậy, lịch sử bóng đá thế giới trong nửa thế kỳ qua luôn đồng hành với những lối đá khác nhau mà nếu nhìn vào kết quả (qua danh hiệu, những trận đấu kinh điển) thật khó để nói lối đá nào ưu việt. Qua thời gian, các chiến lược gia đã kết hợp nhuần nhuyễn các trường phái để tạo nên nét riêng biệt cho đội bóng mình, nhằm đạt mục đích GHI BÀN và giành CHIẾN THẮNG.

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.

Top Bloggers

  • Sample avatar

    Bằng Nguyễn

    Cựu Chủ tịch FCBVN

  • Sample avatar

    Hoàng Thông

    Nhà báo

  • Sample avatar

    Mạnh Hiển

    Bí thư xã