Camp Nou hay Nou Camp?

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đã từ lâu có ý định viết một bài về sân Camp Nou, nhưng hôm nay mới có dịp, phần vì một số bạn phóng viên dịch bài đã viết Nou Camp (thay vì Camp Nou) nên tôi có hứng viết nhanh một bài phiếm về cách dùng từ gây nhiều tranh cãi này.

Bài viết ngắn này còn dành cho...Grát-si-mô Ôtô-hai-bánh, người suốt bao năm “gìn giữ và bảo tồn” sự trong sáng của Camp Nou.

Đôi nét về lịch sử sân vận động Camp Nou

Các bạn có thể tìm kiếm google để có thông tin về sân vận động nổi tiếng này, nơi được ví là “trung tâm mua sắm sang trọng” khi được so sánh với “khu nhà kho” là sân Old Trafford. Nói thế để thấy mức độ hoành tránh và khổng lồ của Camp Nou, như một trong những biểu tượng của người Catalan, vùng đất “rất gần” với ý nghĩa của một quốc gia độc lập.

Sân Camp Nou được xây dựng cũng từ ý tưởng: Một CLB vĩ đại của vùng đất “đặc biệt” như Catalan cần phải có một SVĐ tương xứng, thay vì sân Les Corts “chỉ có” 60 nghìn chỗ ngồi. Và thế là “sân vận động mới” được xây với 98.934 chỗ, khánh thành năm 1957. Theo tiếng Tây Ban Nha, “sân vận động mới” chính là Camp Nou.

Camp Nou hay Nou Camp?

Do cấu trúc ngôn ngữ Tây Ban Nha nên mặc nhiên cách viết Camp Nou mới là cách dùng đúng, còn ngược lại lối viết Nou Camp sẽ là vô nghĩa vì nó sai cú pháp.

Tuy nhiên, nếu mọi chuyện cứ như 1+1=2 thì có lẽ chẳng có gì để nói. Vấn đề ở đây là người Anh họ lại không có ngữ pháp giống người Tây Ban Nha hay Pháp. Mà trên thế giới này, tiếng của họ lại được sử dụng như ngôn ngữ quốc tế. Chả vậy mà căn bệnh SIDA theo cách gọi của người Pháp đã chả được nhắc đến ở Việt Nam 20 năm nay mà được thay bằng AIDS, hay tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương OTAN được người Mỹ (Anh) “chỉnh” lại là NATO, hay cấu trúc ADN của người Pháp hay dùng thì ở các tài liệu khoa học tầm quốc tế họ viết thành DNA vân vân và vân vân.

Vậy nên, ở các trang báo “tây”, “sân vận động mới của Barcelona” được ghi là Nou Camp (thay vì Camp Nou) và được thừa nhận từ nhiều năm nay. Mà cái gì được thừa nhận chính thức thì cái đó hẳn có chỗ đứng, ít ra là trên các trang báo.

Việc làm “cưỡng ép” này tuy bị nhiều người cực lực phản đối, nhưng cũng không ít kẻ bảo vệ, và những lý lẽ của họ không hẳn là vô căn cứ. Này nhé, đội tuyển Brasil mấy ai viết là Selecão (mà thường là Selecao)? Hay chẳng đâu xa, ở bàn phím của bạn chẳng dễ để tìm thấy ký tự “ç” để viết cho đúng từ Barça và thế là bạn đành bằng lòng với từ “Barca” giản dị, thân quen. Nghiêm trọng hơn, nhân vật huyền thoại Don Quijote trong truyện của nhà văn Miguel de Cervantes được người Anh viết thành Don Quixote và nghiễm nhiên được thừa nhận rộng rãi, thậm chí còn xuất hiện phổ biến hơn tên tiếng Tây Ban Nha.

Có một điều chúng ta nên thừa nhận, làn sóng toàn cầu hóa như một xu thế tất yếu chẳng đến mức như cơn lốc nhưng cũng là những ngọn gió đủ cuốn đi ít nhiều “bản sắc” của một nền văn hóa. Mặt trái, hẳn chúng ta đã thấy, khi nó biến Camp Nou “có nghĩa” thành một thứ Nou Camp “vô nghĩa” với người Tây Ban Nha. Nhưng ở một khía cạnh khác, nó thống nhất được các địa danh, các tên riêng cho dễ đọc hơn, gần gũi hơn. Sẽ chằng ai biết địa danh “អង្គរវត្ត” ở Cambodia nếu không được thống nhất trên toàn thế giới là Angkor Wat.

Và...

...cuối cùng, sau tràng giang những phiếm luận, tôi nghĩ rằng sẽ chẳng có gì quá phức tạp hay phiền hà nếu ta chỉ cần lưu ý một chút và ghi theo đúng những gì người Tây Ban Nha họ đã viết: “Camp Nou” để nhớ đến một sân vận động hoành tráng vào bậc nhất thế giới, nơi gần 100 nghìn con người hàng tuần vẫn hát vang ca khúc El Cant del Barça trên nền những thảm màu mosaic huyền thoại mà ở đó hiện lên dòng chữ: “Més que un club”. Vì những ý nghĩa cao cả “Còn hơn một Câu lạc bộ” đó, cho nên tất cả những gì làm nên lịch sử của đội bóng này, từ những cầu thủ, những ông chủ tịch, những người đã ngã xuống dưới thời Franco, những trận đấu Siêu Kinh điển nhuốm màu chính trị cho đến...sân vận động Camp Nou huyền diệu này “không đáng” bị gọi trại đi thành...Nou Camp.

Ngược lại, với những ai vẫn chảy trong mình dòng máu Barça, những cổ động viên nhiệt thành, từng giờ từng phút dõi theo từng bước đi của đội bóng Barça yêu dấu, cho dù họ, với sự đãng trí đáng yêu của mình, không thể nhớ cách viết Camp Nou, thì họ vẫn xứng đáng là những culé đích thực được đặt cược bằng chính tình yêu của mình.

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.

Top Bloggers

  • Sample avatar

    Bằng Nguyễn

    Cựu Chủ tịch FCBVN

  • Sample avatar

    Hoàng Thông

    Nhà báo

  • Sample avatar

    Mạnh Hiển

    Bí thư xã