Làm gì để có kháng sinh liều cao Tiqui-taccaceline?

Tito trầm ngâm bên ngoài đường pít sân Công viên Celtic

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Khi nhà sinh học người Scotland, Alexander Fleming vô tình để quên đĩa chứa bánh mỳ vụn (tạo vi khuẩn) ở phòng thí nghiệm của mình năm 1928, ông không ngờ rằng một loại nấm sinh ra đã tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn bám trên đó và penecillin đã ra đời.

Penicillin nhanh chóng trở thành cây đũa thần chữa hầu như mọi vết thương viêm nhiễm, mà nhờ đó hàng triệu binh lính thế chiến thứ II đã được cứu sống, đem lại niềm vui cho hàng triệu triệu gia đình.

Gần một thế kỷ sau, ở xứ Catalan, lối đá tiqui tacca được xây dựng dựa trên triết lý kiểm soát bóng để giành chiến thắng, đồng thời hạn chế tối đa đối phương có cơ hội ghi bàn nhờ những đường bóng luân chuyển liên tục giữa các cầu thủ và khi mất bóng, họ có thể thu hồi trong thời gian sớm nhất ở một vị trí xa cầu môn đội nhà nhất có thể.

Cũng như sự hình thành, phát triển của penicillin, tiqui tacca đã được Johan Cruyff đặt nền móng thừa hưởng từ lối chơi tổng lực của người thày Rinus Michels, trải qua bao thế hệ HLV, tiqui tacca không đứng yên, cũng như đối thủ của họ, những cuộc “cách mạng mini” nối tiếp nhau ra đời, giống như những streptomycin, erythromycin, hay amoxilin, zinat xuất hiện mỗi khi vi khuẩn kháng thuốc và gây nên một vài ca tử vong.

Và hôm qua, tại Glasgow “tiqui-taccaceline” đã chùn bước trước con vi khuẩn Celtic của người Scotland cũng giống như tại Milan năm 2010, London năm 2012, nhưng theo dõi kỹ trận đấu, rõ ràng không có bất kỳ ca tử vong đáng tiếc nào như đã diễn ra trước người Ý hay người Anh. Những gì đã diễn ra chỉ đơn giản cơn đau đầu thoáng qua trước 1 gốc vi khuẩn cantenaccio có dấu hiệu nhờn thuốc. Điều đó đòi hỏi nhà sinh học Tito Vilanova phải nỗ lực hơn nữa trên con đường nghiên cứu phát triển “thuốc kháng sinh” của mình.

Nhìn những diễn biến trên sân, người viết bài tạm đưa ra 5 ý kiến sau đây: 

1. Không có sai lầm hệ thống

Thống kê trận đấu

Thực vậy, Barça tại Glasgow hôm qua hoàn toàn áp đặt được thế trận trước một Celtic không muốn và không thể triển khai bất kỳ một đường bóng tấn công nào rõ nét, có toan tính. Khi thực lực của họ chỉ ở tầm Vallecano hay Zaragoza ở Liga, khi các thống kê cho thấy họ hoàn toàn lép vế trước Barça thì chính sự quả cảm và tính hợp lý (trong phòng thủ) của người Scotland đã phát huy tác dụng.

Về phía HLV, Tito đã không sai khi kiên trì sơ đồ 4-3-3, ông đã không sai khi xoay vòng Sanchez – Villa, ông cũng có lý khi thay vị trí của Busquet để lại bằng Song cơ bắp mà không phải là Cesc ngay từ đầu.

Về phía cầu thủ, bộ khung Xavi – Iniesta – Messi đá không tồi, thậm chí số 8 đã có 1 trận rực rỡ dù không ghi bàn.

Về cơ hội, Barça cũng đã đánh dấu lên cột dọc, xà ngang của Celtic 2 lần trong cả thảy 25 nỗ lực sút bóng cả trận. Đến Real của Mou cũng chỉ làm được đến vậy (24 cú sút) tại Bernabeu vào hôm trước đó, thậm chí những người từ Thủ đô chỉ kiểm soát hơn 60% bóng, trong khi Barça là hơn 83%.

Rõ ràng xét tổng thể, chúng ta chẳng thể đòi hỏi hơn ở họ về kỹ, chiến thuật, khả năng kiểm soat bóng và cơ hội. Có chăng điều thiếu duy nhất để tỷ số “đẹp” hơn là may mắn mà thôi. 

2. Vậy thua do đâu?

Tuy nhiên, rõ ràng một thất bại luôn là điều không được trông đợi và cũng không phải ở trên trời rơi xuống. Mọi thứ đều có lý do của nó và người viết bài cho rằng đó là những lỗi lầm cá nhân.

Những lỗi cá nhân dẫn đến kết quả tệ

Thứ nhất, phong độ báo động của Mascherano trong vai trò trung vệ đã trực tiếp hoặc gián tiếp là nguyên nhân của hơn nửa số bàn thua mùa giải này. Không thể phủ nhận khả năng bọc lót và những cú tackle mang thương hiệu của “ông chủ nhỏ”. Không thể phủ nhận dấu hiệu bất ổn về thể lực của anh trong những trận gần đây vì liên tục phải cày ải thay Pique và Puyol chấn thương. Nhưng với vai trò là một trung vệ đàn anh, dẫn dắt và làm điểm tựa cho những Batra, Song hay Adriano thì Mascherano đã không hoàn thành nhiệm vụ. Thiếu tốc độ, khả năng đọc trận đấu không tốt, đầy rẫy lỗi bắt người không chuẩn, Mascherano dường như phù hợp trong vài trò hậu vệ dập (khi đằng sau có những “hòn đá tảng” tin cậy) hơn là mắt xích cuối cùng trong hệ thống phòng ngự.

Thứ hai, việc lựa chọn Song ở vị trí tiền vệ thủ là một ý tưởng không tồi, nhưng quả thật, anh không thể an toàn và khả năng “bắt bài” đối phương như Busquet, không mềm mại, kỹ thuật và có nhãn quan chiến thuật như Cesc, nên những đường chuyền hỏng ở vị trí nhảy cảm, những đường triển khai không ăn nhập với phần còn lại đã vô tình làm Celtic dễ dàng hơn trong việc dập tắt sớm nhiều đường bóng tấn công ngay từ phôi thai.

Thứ ba, Alves giờ chỉ là bản sao mờ nhạt của chính anh cách đây 1-2 năm. Thiếu động lực thi đấu, phong độ suy giảm đã làm vắng đi đáng kể những mảng miếng phối hợp với Messi hay Pedro (cùng cánh), triệt tiêu toàn bộ những pha đi bóng, qua người bám biên phải, vô hiệu hoàn toàn những quả tạt vừa tầm cho đồng đội ghi bàn. May thay, Alves của hôm qua tròn trịa trong phòng thủ trước Celtic chỉ chiếm 16% kiểm soát bóng.

Thứ tư, với Sanchez người hâm mộ hiểu rằng chưa thể đòi hỏi nhiều ở cầu thủ này. Việc Tito cho anh vào sân đơn giản chỉ là sự xoay tua với Villa và tạo cơ hội cho số 9 lấy lại phong độ vốn có (như ông đã từng làm với Villa, Cesc mùa này hay Pep làm với Pedro mùa trước). Nhưng sự biến mất và vô hại của Sanchez cũng là điều đáng tiếc, nhất là khi xung quanh anh luôn có những cầu thủ làm bóng tốt, từ Alba, Iniesta đến Messi. Nói không quá, nếu không vì những lý do nêu trên, Tito sẽ có kết quả khả quan hơn khi để Villa hay Cesc (và thậm chí là Tello) đá ngay từ đầu. 

3. Vấn đề sử dụng Messi

Qua quan sát Messi mùa giải này, rõ ràng ảnh hưởng về mặt lối chơi của anh không đậm nét như mùa trước. Bằng chứng là số đường chuyền trong một trận đấu của anh chỉ ở mức 70-80 (thay vì trung bình xấp xỉ 100 đường chuyền/trận năm ngoái), kèm theo đó là số đường chuyền thành bàn cũng “chỉ có” 4 lần sau cả Cesc không thi đấu thường xuyên (với 7 đường chuyền/trận). Chẳng ai dám đặt câu hỏi về phong độ của số 10, nhất là khi anh vẫn đóng góp phân nửa số bàn thắng của Barca. Có chăng chỉ là cách sử dụng thiên tài này hợp lý nhất.

Messi đang bị vắt kiệt sức

Ở những mùa bóng trước, Pep đã thành công khi cho Messi một sự thoải mái nhất định trong hệ thống thi đấu của Barça và người được hưởng lợi là những Eto, Henry, Villa, Cesc, Pedro hay Sanchez, nhưng ở mùa này, có vẻ như Tito muốn anh chú tâm ở những bước chạy chỗ đón bóng ghi bàn hơn là việc hòa nhập với phần còn lại hay làm bóng cho tiền đạo ghi bàn. Hình ảnh vóc dáng nhỏ bé của Messi ở vòng tròn 16m50, lấp ló sau 3-4 hậu vệ, tiền vệ đối phương đã phần nào hạn chế đóng góp mà số 10 “có thể” tham gia cho đội bóng. Và một khi tình trạng này liên tục diễn ra, khi phần lớn những tình huống Messi đón bóng trong tư thế khó khăn đó, tỷ lệ tạo cơ hội cho đồng đội (hay chính bản thân anh) giảm sút đáng kể. Trận gặp Celtic (và trước đó là trận gặp Celta) là một minh chứng rõ nhất. 

4. Đâu rồi những pha chọc khe?

Có thể thấy 20 năm trở lại đây, Catalan là xứ sở của những đường kiến tạo chọc khe, hay chuyền dài tầm trung chiến thuật cho tiền đạo phá việt vị. Với những cầu thủ làm bóng hàng đầu, có nhãn quan chiến thuật thiên tài như Laudrup (của thập niên 90) hay Xavi (của những năm gần đây), cách thức giải quyết trận đấu trở nên đa dạng hơn bao giờ hết.

Vào thời đỉnh cao phong độ, Xavi đã làm khá tốt những tác phẩm kiểu này cho đến...cuối năm ngoái, khi thể lực và phong độ (không chỉ của riêng anh) đi xuống theo thời gian, số lượng những đường chuyền tinh tế đó đã giảm xuống trông thấy và tuyệt nhiên không xuất hiện ở những trận Barça bế tắc. Đến Mascherano mùa giải này còn nhiều đường chuyền mang đậm tính chiến thuật kiểu như vậy hơn Xavi (tiêu biểu là một loạt đường chuyền ở 3 trận Siêu Kinh điển).

Mặc dù không thể đòi hỏi nhiều hơn ở cầu thủ đã ngoài 30 như anh, nhưng đáng tiếc ở những trận đấu khó khăn, khi những chiếc xe buýt xuất hiện tầng tầng lớp lớp, Barça cần lắm những đường chuyền mang tính chiến thuật cao, nhất là khi họ có thừa những cầu thủ chạy chỗ tinh khôn ở hai cánh. 

5. Làm thế nào để phát triển tiqui-taccaceline?

Nếu nguyên nhân chính cho trận thua hôm qua đến từ cá nhân, thì chẳng gì tốt hơn là để sự tiến bộ của chính họ chuộc lại lỗi lầm hoặc đến từ những cá nhân khác thay thế.

Rất may, thời điểm quay lại của Pique và Puyol đã đến rất gần, nên hàng thủ cùng khả năng bọc lót, chống bóng bổng hay khả năng phán đoán tình huống sẽ không phải là vấn đề nữa.

Ở tuyến tiền vệ, Busquet là sự lựa chọn số 1 nhưng khả năng thay thế của Cesc không phải là ý tưởng tồi, còn với Song, Tito hẳn phải thực tế hơn khi chỉ nên kỳ vọng ở anh như một Keita – kẻ đóng thế trong 15 phút cuối trận, thay vì là một sự thay thế hoàn chỉnh của số 16.

Ở cánh phải, Montoya hoàn toàn có đủ kỹ năng và thừa ý chí để thay một Alves gần hết động lực thi đấu và phong độ đã ở bên kia sườn dốc. Tito cần tạo cơ hội nhiều hơn nữa cho cầu thủ trẻ này để hướng đến một tương lai không Alves.

Cuối cùng, quay lại câu chuyện Messi, nên chăng Tito nên "hy sinh" bớt một Messi – Vua phá lưới để "khai sinh" một Messi – Tổ chức trận đấu. Điều đó đồng nghĩa với việc chuyển sơ đồ 4-3-3 thành 4-3-1-2, khi đó số 10 sẽ gánh vác bớt nhiệm vụ của Xavi, cầu thủ đã ngoài 30 không còn tinh xảo như xưa. Vả lại, đã nhiều nhiều lần Messi chứng tỏ nhãn quan tuyệt vời mỗi khi anh đá lùi và "làm" bóng bằng những đường chuyền chết người. Hơn nữa ở những trận đấu như với Celtic hôm qua, khi chẳng còn khe hở cho anh đi bóng hay xoay sở, khi lối chơi cũ đang gặp bế tắc, chỉ một đường chuyền xẻ nách cho Alves hay Villa, Pedro băng xuống, hệ thống phòng ngự của người Scotland có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào. 

6. Thay lời kết

Một trận thua đầu tiên sau 3 chiến thắng liên tiếp, với 9 điểm và duy trì vị trí đầu bảng tại một giải danh giá nhất thế giới, chẳng phải là thảm họa và cũng chẳng thể có loại kháng sinh mới như streptomycin, erythromycin v.v nếu penecillin vẫn là cây đũa thần cứu rỗi cả nhân loại hết năm này qua năm khác. Xét cho cùng, những Inter, Chelsea hay Celtic chỉ là 3 cái tên quá lẻ loi trong cả hàng chục những "vi khuẩn" đã bị tiqui-taccaceline tiêu diệt.

Có chăng, với quy luật muôn đời của sự sống, mọi cá thể, tổ chức luôn cần tự hoàn thiện mình để có thể tồn tại và phát triển. Barça, với tiqui tacca không phải là ngoại lệ.

Cách đây 82 năm, Fleming đã từng nói về phát minh của bản thân: "Đôi khi người ta lại tìm ra những thứ mà mình đang không tìm kiếm". Biết đâu, với trận thua này, với những điều chỉnh chút ít trong lối chơi cũng như cách sử dụng nhân sự, Tito sẽ để lại cho thế giới túc cầu một phiên bản tiqui-taccaceline hoàn toàn mới. Tại sao không?

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.

Top Bloggers

  • Sample avatar

    Bằng Nguyễn

    Cựu Chủ tịch FCBVN

  • Sample avatar

    Hoàng Thông

    Nhà báo

  • Sample avatar

    Mạnh Hiển

    Bí thư xã