Luis Enrique không giỏi, nhưng..

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

tin-sang-151-enrique-mong-messi-o-lai-barcelona-0

Mọi câu chuyện của Luis Enrique với Barcelona đều nên kể từ cái ngày 5/1 chết tiệt của năm 2015, khi ông bất lực nhìn các học trò thất bại trước Real Sociedad của David Moyes ngay trong trận đấu đầu tiên chào năm mới. Đó là cái ngày mà Lucho cất cả Messi lẫn Neymar trên băng ghế dự bị, để Munir El Hadaddi và Pedro đá chính. Nhiều người cho rằng Luis Enrique đã quá chủ quan, nhưng với những người am hiểu cá tính của HLV đến từ Gijon, có lẽ họ đã tự trả lời được cho mình câu hỏi "vì sao". Cá nhân tôi tin rằng đó là một quyết định sai lầm đến từ một lần mà cá tính của Lucho đã trỗi dậy, ông muốn khẳng định quyền lực của mình trong phòng thay đồ của Camp Nou, là ông, chứ không phải Messi.

Nhưng rồi khi mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát, đi theo sau thất bại tủi hổ ở Anoeta là những tin tức không tốt lành gì về mối quan hệ giữa Enrique và Messi được... Jeremy Mathieu tiết lộ với giới truyền thông, các culés nổi giận còn chủ tịch Bartomeu đòi tống cổ Enrique ra đường. Enrique có một cơ hội duy nhất để tự cứu lấy mình: Trận đấu với Atletico Madrid ở vòng đấu tiếp theo.

Ngày 11/1, Luis Enrique lần này đưa ra sân đội hình mạnh nhất, với đầy đủ Messi, Neymar, Suarez trên hàng công. Và trước trận, ông cũng khẳng định mối quan hệ giữa mình và Messi là rất tốt. Chẳng ai biết trong một tuần đó, Luis Enrique và Messi đã trao đổi với nhau như thế nào, chỉ biết là trong đêm mùa đông Camp Nou ấy, Messi đã chơi tuyệt hay, anh ghi 1 bàn, in dấu giày của mình vào 2 bàn còn lại, cả MSN cùng tỏa sáng khiến bàn thắng từ chấm 11m của Mario Mandzukic cho Atletico trở nên vô nghĩa. Luis Enrique được cứu. Ông tất nhiên vui mừng, nhưng những phản ứng tương đối điềm đạm sau mỗi bàn thắng của Barça như lời khẳng định rằng bản thân ông chưa có gì chắc chắn về tương lai của mình ở Camp Nou. Trên khán đài, chủ tịch Bartomeu quay sang nói gì đó với thuộc cấp của mình rồi mỉm cười, nhún vai.

Hôm nay là ngày 7/11 của năm 2016, nghĩa là đã gần tròn 22 tháng sau ngày đánh bại Atletico Madrid ở Camp Nou. Barça vừa có chiến thắng quan trọng 2-1 trước Sevilla ở Sanchez Pizjuan, qua đó tiếp tục bám đuổi đội đầu bảng Real Madrid với 2 điểm ít hơn. Luis Enrique vẫn ở đó, trên băng ghế huấn luyện của Barça, và ăn mừng rất... nhiệt sau mỗi bàn thắng của các học trò. Ông vẫn tại vị, chỉ khác là tóc đã bạc đi nhiều.

Hôm nay, cũng như gần 22 tháng trước, người đóng vai chính trong show diễn hoàn hảo của Barça, vẫn là Messi. Anh ghi một bàn, kiến tạo một bàn cùng một biểu đồ nhiệt nhìn thoáng qua cứ tưởng của N'golo Kante. Nhưng trong quãng thời gian 22 tháng đó, Messi đã đóng vai chính trong rất nhiều show diễn như thế của Barça dưới thời Enrique.

Nói đến đây, có lẽ chúng ta đều đồng ý rằng Barça dưới thời Luis Enrique, thực tế vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Leo Messi, từ phong độ đến cảm xúc của cầu thủ người Argentina đều ảnh hưởng rất nhiều đến thành công hay thất bại của Barça. Tôi là một người luôn ủng hộ Luis Enrique trong mọi quyết định của ông liên quan đến Barça, nhưng tôi cũng luôn giữ cho mình một sự thừa nhận: Lucho không phải là một huấn luyện viên hàng đầu.

Tháng 1 năm 2016, khi những lá thư mời tham dự đêm gala tại nhà hát Kongresshaus, Zurich, Thụy Sĩ được FIFA chuyển đến tận tay những ứng cử viên hàng đầu cho các danh hiệu cá nhân cho nhiều giải thưởng danh giá mơ ước của các cầu thủ, các HLV trên toàn thế giới, cũng là lúc một trong những giai đoạn quan trọng nhất của các giải bóng đá vô địch quốc gia châu Âu bắt đầu: Giai đoạn sau kỳ nghỉ Giáng Sinh, là lúc mà những giải đấu có kỳ nghỉ Đông như La Liga đòi hỏi một sự tập trung cao độ. Các cầu thủ vừa trở về từ những kỳ nghỉ bên cạnh gia đình, chưa hoàn toàn hồi phục trạng thái thể lực và phong độ tốt nhất, rất dễ dẫn đến những vấp váp ngoài ý muốn.

Barça của Enrique khi đó vừa đánh bại Granada trên sân nhà Camp Nou với tỉ số 4 – 0, mà nhân vật chính không ai khác chính là Messi với một hat-trick. Nhưng thay vì cho phép mình nghỉ ngơi, đến Zurich tham dự đêm gala mà rất có thể mình sẽ được xướng tên cho danh hiệu HLV bóng đá nam xuất sắc nhất năm, Lucho một mực từ chối lời mời của FIFA, khẳng định mình sẽ ở nhà mà không đưa ra bất kỳ lý do nào. Có người bảo rằng Lucho sợ thua Jorge Sampaoli - người đã cùng Chile làm nên chiến tích ngoạn mục tại Copa America 2015 – nên ông đã ở nhà như cái cách mà Pep Guardiola cũng lựa chọn. Nhưng tôi tin rằng có hai lý do chính khiến Luis Enrique không muốn có mặt ở đêm Zurich hôm ấy:

Barça vẫn còn chưa lấy lại được ngôi đầu bảng xếp hạng từ tay của Atletico Madrid. Vì lẽ đó, Lucho muốn tận dụng mọi thời gian để có sự chuẩn bị tốt nhất cho chặng đường phía trước của Barça, chặng đường mà đội chủ sân Camp Nou sẽ có một lịch thi đấu dày đặc cả ở La Liga lẫn Champions League trước những đối thủ khó chịu. Với một người như Luis Enrique, thật khó để đi đâu đó tận hưởng niềm vui cá nhân khi trong đầu còn chất chứa bao nỗi lo toan cho đội bóng.

Thứ hai, Lucho tự cảm thấy mình... không xứng đáng, cảm thấy mình thực sự không phải là HLV xuất sắc nhất. Cú ăn ba lịch sử năm 2015 cùng hai danh hiệu mở đầu mùa giải 2016, nếu so sánh với chức vô địch Copa America của Jorge Sampaoli thì rõ ràng thành tích của Luis Enrique có trọng lượng hơn nhiều. Nhưng với một người cá tính và luôn nhìn thấy khuyết điểm của bản thân từ trong những thành công như Luis Enrique, có lẽ ông phần nào "tự ái" vì những đánh giá của giới truyền thông và NHM về thành công của mình, rằng HLV nào dẫn dắt Barça mà chẳng được. Mà thực tế, dù đã có lúc tưởng chừng như Lucho đã giúp Barça chữa dứt căn bệnh "Messidependencia", nhưng rồi những thành công của Barça dưới thời ông vẫn cứ gắn liền với cái tên quen thuộc Leo Messi. Enrique cảm thấy "tự ái", âu cũng là điều dễ hiểu.

Luis Enrique đã đến và đã thay đổi Barça. Ông đưa Barça trở thành một cỗ máy phản công siêu hạng. Nếu chúng ta nhìn vào hai bàn thắng ấn tượng trong hai trận đấu gần nhất của Barça: Bàn mở tỉ số của Messi trong trận thua 1-3 trước Manchester City và bàn ấn định chiến thắng 2-1 của Luis Suarez trong trận thắng Sevilla rạng sáng nay, đó thực sự là những siêu phẩm phản công với tốc độ kinh hồn. Để phục vụ cho lối chơi đó, ông cùng BHL chủ trương đưa về Camp Nou những giải pháp phù hợp. Thời Pep, Barça hay nhắm "hàng" của Arsenal, tích cực sử dụng cầu thủ của La Masia. Thời Enrique, đội bóng nhắm đến những cầu thủ của Valencia, Sevilla, Atletico Madrid. Thời Pep, Barça chuộng những tiền đạo như Villa, cả Pedro cũng có chỗ đứng trong khi Ibrahimovic, Eto'o bị đẩy đi. Thời Enrique, tiền đạo cắm phải là kiểu Luis Suarez, Paco Alcacer, Pedro và Villa rời đi, còn những cầu thủ tưởng đã ở rất gần Camp Nou như Sergio Aguero thì chẳng bao giờ đến nữa. Có lúc còn có tin đồn về Torres, Vietto, Gameiro. Thời Pep, tiền vệ phải có lối chơi tương tự Xavi, Iniesta. Thiago, Koke, những cái tên đó là ví dụ điển hình. Thời Enrique, Barça chẳng còn hướng về những cái tên đó nữa. Barça mang về Rakitic, Arda Turan. Andre Gomes như một ngoại lệ hiếm hoi giữa dòng thay đổi đó, cũng chưa thể thể thích nghi.

Rõ ràng, những thay đổi của Enrique là mang tính cách mạng, sự thay đổi cần thiết để Barça không còn bị "bắt bài" như trong những năm tháng loay hoay tìm một con đường thời hậu Pep Guardiola. Nhưng đáng tiếc, ông không đủ giỏi để thay đổi một cách triệt để, để định hình được lối chơi của mình một cách chính xác nhất, để vận hành lối đá của mình vào bộ khung hiện tại của Barça cho phù hợp nhất. Hệ quả để lại là rất nhiều, đó là sự đi xuống của Sergio Busquets khi bản thân tiền vệ trụ người TBN đã không còn có cho mình những đối tác phù hợp nhất, đó là một lối đá tương đối... phản bóng đá hiện đại khi bóng được phát động khá rườm rà từ các hậu vệ lên các tuyến trên, hơn hết là sự bí bách, ức chế trong những thế trận bị đối thủ pressing sâu, phản công sắc bén.

luis-enrique-barca 0

Hôm nay, nhật báo Dario Sport của xứ Catalunya đăng một bài báo "nặc danh" đầy ẩn ý, trong đó, tác giả đăng tải hình ảnh của các cầu thủ Barça bao gồm Mascherano và Neymar Jr. đang ôm lấy Jorge Sampaoli. Jorge Sampaoli cùng với Pep Guardiola có thể nói là những người có cùng chung một người "thầy" – Marcelo Bielsa vĩ đại, có cùng phong cách huấn luyện, có cùng một hệ thống chiến thuật và chính Jorge Sampaoli, đã hơn một lần, được đề cử là người ngồi vào chiếc ghế nóng của Camp Nou chứ không phải Luis Enrique.

Rõ ràng, chúng ta vẫn luôn hoài niệm, hoài niệm về những năm tháng lãng mạn của bóng đá với bản tình ca mang tên Tiqui-Taca ngân vang trên thánh đường Camp Nou, nơi mà bóng đá đã thăng hoa đến tột cùng cảm xúc của nó, thứ bóng đá đến từ tương lai, pha trộn một chút dư vị ngọt ngào màu da cam của bóng đá tổng lực Hà Lan, thứ bóng đá dễ dàng làm say đắm và mê hoặc lòng người. Tiqui-Taca mà Pep Guardioloa tạo ra ở Barcelona những năm tháng hoàng kim đã xuất hiện một cách ngạo nghễ ngược dòng chảy phát triển của bóng đá hiện đại chặt chẽ và kỷ luật. Thứ bóng đá đó của Pep, và chính bản thân ông đã trở thành "mối tình đầu" của rất nhiều culés.

Người ta thường bị ám ảnh bởi tình đầu, bởi những tiếc nuối, day dứt khôn nguôi. Tình đầu trở thành thước đo, trở thành hệ quy chiếu để so sánh dành cho tất thảy những người đến sau, và cũng trở thành cái bóng rất lớn mà họ phải vượt qua. Luis Enrique chính là người đến sau đó.

Nhưng, "người đến sau" Luis Enrique đã không cố làm cái bóng hoàn hảo của Pep Guardiola. Tiền vệ tài hoa một thời của bóng đá thế giới giờ ngồi trên băng ghế huấn luyện của Barça với mái tóc đã bạc đi quá nhiều, vẫn luôn tin rằng nhiệm vụ của mình không phải là làm cho các culés yêu mình, mà là yêu mến câu lạc bộ. Mà bóng đá hiện đại là thực tế, đôi khi chỉ có những danh hiệu mới có thể bắt đầu một tình yêu, và neo giữ nhiều tình yêu khác.

Khi thắng trận, ông ca ngợi các học trò, khi thất bại, ông nhận mọi trách nhiệm về mình.

- Ông làm gì sau khi thức dậy?
- Tôi đánh răng – Luis Enrique trả lời.

Đấy, con người Enrique là vậy, đơn giản như vậy đấy.

Tất nhiên, chúng ta không ngồi đây nói về Luis Enrique để tránh né việc thừa nhận ông không phải là một thiên tài chiến thuật mà Barça từng có như Pep Guardiola hay Tito Vilanova, cũng không phải là một thuyền trưởng vĩ đại như Johan Cruyff, chúng ta ở đây để đồng cảm với ông, trong những năm tháng thành vương bại khấu của bóng đá thế giới, khi sự vĩ đại được đong đếm bằng thước đo danh hiệu, vẫn có một kẻ nằm ngoài quy luật đó: người đàn ông với đôi kính râm trên sân tập của Barça - Luis "Lucho" Enrique.

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.

Top Bloggers

  • Sample avatar

    Bằng Nguyễn

    Cựu Chủ tịch FCBVN

  • Sample avatar

    Hoàng Thông

    Nhà báo

  • Sample avatar

    Mạnh Hiển

    Bí thư xã