Tata Martino đã vận hành 'cỗ máy' Barça như thế nào?

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Không toàn thắng như Roma của Serie A, không hoa mỹ như Bayern của Pep và cũng không quá "vũ bão" như Arsenal ở Anh, nhưng Barça của HLV 'Tata' Martino vẫn đang tiến những bước tiến vững chắc trên mọi đấu trường mà mình tham gia. Họ đang bất bại kể từ đầu giải, vừa thắng El Clásico và hòa Milan tại San Siro, dẫn đầu La Liga và độc tôn ở bảng đấu của mình tại UEFA Champions League. Với những người không theo dõi Barça một cách thường xuyên, có lẽ đây là điều bình thường, nhưng với những ai theo sát bước tiến của gã khổng lồ xứ Catalunya hẳn sẽ phải rất ngạc nhiên bởi những gì mà Martino đã làm được với tất cả điều kiện ông hiện có trong tay.

'Tata' Martino thổi vào Barça một luồng gió mới mang đậm tính thực dụng nhưng không khước từ cái đẹp từ truyền thống. Không có nhiều những thay đổi về mặt con người ngoại trừ sự xuất hiện của Neymar, Martino quyết định thay đổi về chiến thuật. Hệ thống chiến thuật của Martino trên cơ bản dựa vào nền tảng thời hậu Pep – Tito, mang tính kế thừa, cách tân với những điểm nhấn độc đáo và mới mẻ. Người viết bài không dám "múa rìu qua mắt thợ" rằng mình am tường về chiến thuật, chỉ đơn giản chỉ ra những nét có thể "nhìn tận mắt" về một Tata's Barça mà người ta vẫn còn hoài nghi cho đến khi bảng tỉ số trận El Clásico đầu tiên của mùa giải dừng lại ở tỉ số 2-1 nghiêng về đội chủ nhà.

Hãy xem hệ thống chiến thuật của 'Tata' Martino vận hành như thế nào?

4-3-3 hay 4-3-1-2?

Trước hết, phải khẳng định Barça dưới thời 'Tata' Martino vẫn theo đuổi lối đá tấn công đẹp mắt mang màu sắc La tinh pha chút "mùi vị" của bóng đá tổng lực Hà Lan. Điều này không quá khó hiểu bởi bản thân 'Tata' Martino vẫn được xem là một người theo triết lý tấn công. Tuy nhiên, dưới thời HLV người Argentina, Barça đã có những sự thay đổi đáng kể. Điều đầu tiên phải nhắc đến chính là sự thay đổi về sơ đồ chiến thuật. 4-3-3 truyền thống dần được thay thế bằng 4-3-1-2. Bản chất của 4-3-1-2 với một cầu thủ đá hộ công cho 2 tiền đạo phía trên về cơ bản không khác 4-3-3 quá nhiều, nhưng độ linh hoạt và chặt chẽ thì hơn không ít. Người được kéo về đá hộ công ở đây không ai khác chính là Messi (hoặc Fàbregas trong trường hợp Messi vắng mặt). Sự xuất hiện của một tiền đạo đầy tốc độ là Neymar Jr. cùng với những màn trình diễn đầy ấn tượng ở phong độ cao của Alexis Sanchéz càng trở thành cơ sở để 'Tata' Martino áp dụng lối đá này cho Barça. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta thấy Messi hầu như không quá nổi bật trong trận El Clásico vừa rồi. Anh lùi khá sâu và đôi lúc chơi như một tiền vệ. Messi lùi sâu đồng nghĩa với việc anh có nhiều bóng hơn và khả năng tung ra những đường chuyền sắc sảo của tiền đạo người Argentina vì thế được phát huy rất nhiều. Đó là chưa kể các hậu vệ đối phương trước giờ vốn "dập khuôn" đá với Barça thì phải "bắt chết" Messi giờ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong các phương án kèm người. Hệ quả là những khoảng trống cho Neymar và Alexis (hay Pedro, Tello) sẽ nhiều hơn và các cơ hội cũng... tự nhiên mà đến.

Tuy nhiên, 4-3-1-2 không phải là sự thay đổi duy nhất mà 'Tata' Martino áp dụng trong cách vận hành sơ đồ chiến thuật cho Barça. Tôi đang nói đến 4-2-1-3 – sơ đồ mà chúng ta đã nhìn thấy trong nửa cuối hiệp 2 trận El Clásico và trong trận đấu mới đây nhất gặp Celta Vigo. Sơ đồ này tận dụng 2 tiền vệ phòng ngự tốt nhất mà Barça đang sở hữu vào thời điểm hiện tại: Alex Song và Sergio Busquets. Khi cả 2 cùng xuất hiện trên sân, Alex Song thường là người đá thấp nhất còn Busquets đá cao hơn Song một chút để giữ sợi dây liên kết cho tuyến giữa của Barça. Khả năng phòng ngự từ xa của Barça được nâng cao, đồng nghĩa với sức ép lên tuyến phòng ngự giảm đi đáng kể. Barça vô hiệu hóa những cầu thủ tấn công của đối phương bằng sự hợp lý về cự li đội hình, chia cắt rất tốt hàng tiền vệ và tiền đạo đối phương. Những thống kê cho chúng ta biết rằng hễ 4-2-1-3 được áp dụng, Barça không để thua bàn nào.

Sao cứ phải "lao đầu" tấn công?

Barça thời Pep, thời Tito đẹp là thế, nhưng cái đẹp đó – thi thoảng – vẫn bị bóp chết bởi cái thực dụng. Bởi nó quá mong manh, quá dễ vỡ. Barça ghi bàn, thay vì lui về đảm bảo sự chắc chắn cho hàng phòng ngự, họ vẫn lao lên tấn công để rồi nhưng những con thiêu thân rơi vào cái bẫy phòng ngự phản công của đối thủ. Bao nhiêu lần Barça dính phải "hồi mã thương" rồi mất đi những lợi thế, đôi khi cả những điểm số quan trọng. Dưới thời 'Tata', Barça vẫn rất đẹp, nhưng là một cái đẹp đầy chắc chắn.

Chúng ta hãy xem Barça làm gì sau khi ghi bàn? Trên sân San Siro, sau bàn thắng của Messi, Barça lui sâu về phần sân nhà vô hiệu hóa những nỗ lực của Robinho, bào mòn sức của Kaka và có 1 điểm rời San Siro an toàn. Ở El Clásico, họ dẫn bàn ở phút 19, kể từ đó, Messi, rồi Xavi được chỉ đạo chơi thấp, Barça biến Bale thành một trò hề ở Camp Nou, còn Ronaldo lao lên đầy vô vọng. Trong trận đấu với Celta Vigo, Alexis Sanchez mở tỉ số cho Barça từ rất sớm, và với 2 tiền vệ phòng ngự trên sân, Barça thừa hiểu họ phải làm gì để bảo vệ khung thành của Victor Valdés.

Barça vốn thừa khả năng đá thực dụng, nhưng phải đến tận mùa giải năm nay, người ta mới được dịp chứng kiến sự thực dụng đó. Họ có những cầu thủ giữ bóng cực tốt, dư sức làm ức chế tâm lý đối phương, họ có những tiền vệ phòng ngự xuất sắc hàng đầu như Busquets, Song – những người đủ khả năng để đối phó với những hàng tiền vệ sáng tạo, điển hình như Real Madrid. Một khi Barça đã muốn giảm nhịp độ, giữ lấy quả bóng thì chắc chẳng ai lấy được trong chân họ.

Barça đang thay đổi, sự thay đổi xuất phát từ cách đối mặt với thực tế trên sân chứ không phải từ trong bản sắc. Tôi xin nhắc lại: Barça vẫn đẹp, rất đẹp, nhưng cũng vô cùng thực dụng.

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.

Top Bloggers

  • Sample avatar

    Bằng Nguyễn

    Cựu Chủ tịch FCBVN

  • Sample avatar

    Hoàng Thông

    Nhà báo

  • Sample avatar

    Mạnh Hiển

    Bí thư xã