Với Griezmann, Messi không còn cô đơn

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Antoine Griezmann tuyên bố chia tay Atletico Madrid, Barcelona gần như sẽ là bến đỗ mới của tiền đạo người Pháp và không ai vui hơn Lionel Messi.

1. Barça được biết đến với thương hiệu tiqui-taca, một lối chơi chú trọng kiểm soát bóng và được thực hiện bằng những pha bật nhả liên hồi như trò đá ma (Rondo). Tuy nhiên, đấy mới chỉ là phần xác, thứ người xem dễ nhận biết và nắm bắt qua những thông số Barça trung bình mỗi trận cầm bóng 60-70%.

Phần hồn của lối chơi này nhắm vào hai mục đích. Thứ nhất, cầm bóng để đối phương không thể tấn công. Trong trường hợp mất bóng sẽ pressing quyết liệt để đoạt lại bóng tức thời theo quy tắc 3 giây (dâng cao đội hình dồn ép thu hồi bóng trong 3 giây, nếu không đoạt được bóng mới tổ chức đội hình phòng ngự).

Thứ hai, ban bật để kéo dãn đội hình đội phương, sau đó xuyên phá vào vị trí hàng thủ đối phương bị xô lệch. Để đạt được mục đích này, Barça cần sự phối hợp đồng bộ của mọi tuyến và kỹ năng xử lý vượt trội của các cầu thủ tấn công. Lối chơi này dần đi vào dĩ vãng với sự ra đi của Pep Guardiola rồi Xavi Hernandez, hai nhà điều hành trong và ngoài sân cỏ.

Đến thời Ernesto Valverde, lối chơi này biến dạng với việc vị chiến lược gia này sử dụng sơ đồ 4-4-2 và chiêu mộ những tiền vệ chiến binh như Paulinho rồi Arturo Vidal. Với Valverde, Barça chú trọng phòng ngự hơn nhưng cũng trở nên đơn điệu và phụ thuộc hơn trong khâu tấn công. Cụ thể, bóng sẽ được dồn cho Messi để siêu sao người Argentina xuyên phá, cùng sự phụ trợ từ Jordi Alba và Luis Suarez.

Công thức này đủ dùng tại La Liga, trận địa Barça đa phần chỉ phải đương đầu với những đối thủ thua kém xa về mặt đẳng cấp. Tuy nhiên, Champions League lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Hai lần bị lội ngược dòng thê thảm trong hai mùa giải liên tiếp tại đấu trường danh giá nhất châu Âu đã bóc trần rõ rệt vấn đề của Barça dưới thời Ernesto Valverde.

Lấy hai trận bán kết vừa qua làm dẫn chứng. Barça không hơn Liverpool về thế trận, khả năng phối kết hợp của toàn đội hình cả trong tấn công lẫn phòng ngự. Lượt đi, Barça thắng vì Messi tỏa sáng. Lượt về, Barça thua vì Messi bị phong tỏa. Bóng đá, suy cho cùng là bộ môn tập thể, Messi kiệt xuất cỡ nào cũng không thể gánh vác toàn bộ hàng công.

Tại Anfield, hình ảnh thê thảm nhất Barça sự bế tắc trong tổ chức tấn công, khi luôn có 3-4 cái bóng áo đỏ thường trực ập vào Messi. Suarez hoạt động sâu trong hàng phòng ngự đối phương, Alba chỉ là chân chạy, Vidal chỉ giỏi tranh chấp, Busquets hay Rakitic thiên về luân chuyển bóng, và một Coutinho gây thất vọng khiến đội bóng xứ Catalan không còn phương án tổ chức tấn công nào khác. Messi hoàn toàn cô độc như hình ảnh anh gục khóc trong phòng thay đồ.

Messi Liverpool bao vay

2. Đó chính là vấn đề Barça cần giải quyết trong mùa hè 2019 và mục tiêu đội bóng xứ Catalan nhắm đến không phải ai khác ngoài Griezmann, tiền đạo vừa tuyên bố chia tay Atletico Madrid. Diễn giải thêm một chút, năm ngoái Griezmann đã ký mới hợp đồng với Atletico nhưng trong hợp đồng có điều khoản được ra đi trong kỳ chuyển nhượng Hè 2019 với số tiền giải phóng 120 triệu euro (từ kỳ chuyển nhượng sau sẽ tăng lên 220 triệu euro).

Griezmann tài năng như thế nào những khoản tiền 8 chữ số vừa nêu đủ sức nặng để minh định, không cần bàn cãi thêm. Điều cần xét đến ở đây là khả năng thích ứng của tiền đạo này trong hệ thống của Barça mà thất bại của Coutinho là một bài học đắt giá. Bản hợp đồng trị giá 160 triệu euro, ngôi sao trưởng thành từ futsal Brazil tưởng chừng sinh ra để khoác áo Barça lại không hợp với Barça.

Lý do là Coutinho mắc kẹt giữa hai tuyến tiền vệ và tiền đạo. Coutinho không đủ nhanh và khéo để lấp vào vị trí Neymar nhưng cũng không đủ điềm đạm để thay thế Iniesta. Trở lại với Griezmann, đây cũng là một cầu thủ mang trong mình DNA tiqui-taca. Mặc dù là mắt xích quan trọng trong hệ thống thực dụng đến khốc liệt của Atletico Madrid tuy nhiên tiền đạo người Pháp thuộc mẫu giỏi cầm và chuyền bóng.

Trong màu áo Atletico chú trọng phản công thay vì cầm bóng nhưng trung bình mỗi trận Griezmann vẫn thực hiện thành công trên 75% số đường chuyền và mỗi trận tung ra trên dưới 40 đường chuyền. Tiếp đến, Griezmann không bị “mắc kẹt” như Coutinho vì anh là tiền đạo thực thụ chứ không phải tiền vệ tấn công. Nếu chiêu mộ Griezmann, mặc định cầu thủ này chiếm một suất trên hàng công.

Vấn đề cuối cùng, và quan trọng nhất, Griezmann đủ sức chia lửa cho Messi trong khâu phát động tấn công hay nói cách khác, Barça có thêm một hướng phát triển bóng nữa thay vì độc đạo qua siêu sao người Argentina. Đơn giản, Griezmann là mẫu tiền đạo lùi hoặc tiền đạo ảo, không phải “cắm sâu trong lòng địch” như Luis Suarez.

Về mặt hiệu quả, Griezmann đảm bảo được cả hai nhiệm vụ tấn công và kiến tạo. Ba mùa giải gần nhất, tiền đạo người Pháp trung bình mỗi mùa đóng góp 16,7 bàn thắng và 8,3 kiến tạo. Tổng 25 bàn thắng và kiến tạo mỗi mùa là thông số hết sức ấn tượng nếu so sánh với bất kỳ ngôi sao tấn công nào khác… ngoại trừ Messi.

Đơn cử trong 7 mùa giải qua, cầu thủ tấn công hiệu quả nhất tại Premier League là Eden Hazard, cầu thủ trung bình mỗi mùa có 27,9 bàn thắng cộng kiến tạo (15,4 bàn thắng và 12,5 kiến tạo mỗi mùa). Vì vậy, nếu Barça chiêu mộ Griezmann, thảm cảnh Messi bị phong tỏa như tại Anfield có triển vọng không còn lặp lại.

Antoine Griezmann v Messi

3. Griezmann nằm trong luồng cầu thủ cập bến Camp Nou để đưa Barça trở lại với lối chơi tiqui-taca, dĩ nhiên là một phiên bản nâng cấp hơn bởi sự phát triển không ngừng của đấu pháp chiến thuật trong 10 năm qua. Bên cạnh Griezmann, Barça đang nhắm đến De Ligt và đã chiêu mộ thành công De Jong, hai sản phẩm ưu tú của Ajax Amsterdam. Bên cạnh đó là sự hiện diện của Arthur Melo, cầu thủ được ví là Xavi đệ nhị.

Như vậy, bộ khung của Barça mùa tới hứa hẹn sẽ là Pique và De Ligt ở vị trí trung vệ, Busquets-Arthur-De Jong tại trung tuyến và bộ ba Griezmann-Messi-Suarez trên hàng công. Đó là một trục xương sống vững chãi để Barça trở lại với lối chơi kiểm soát bóng áp đảo đã trở thành thương hiệu. Dĩ nhiên, cầm bóng phải có ý đồ chứ không phải chuyền đi chuyền lại đến khi mất bóng.

Ngọc Trung (bongdaplus)

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.

Top Bloggers

  • Sample avatar

    Bằng Nguyễn

    Cựu Chủ tịch FCBVN

  • Sample avatar

    Hoàng Thông

    Nhà báo

  • Sample avatar

    Mạnh Hiển

    Bí thư xã